Trong đóng góp đó, không thể không nhắc tới Thaco Auto (Tập đoàn con thuộc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải – THACO Group) – một trong những Đơn vị tiên phong phát triển CNHT ngành Cơ khí tại Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến "Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam" diễn ra cuối tháng 3/2022, PGS.TS Lê Thu Quý - Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, ngành Cơ khí Việt Nam cũng như CNHT cơ khí có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cơ khí cả nước. Trong đó, những doanh nghiệp đầu tầu như Thaco Auto, Thành Công, Vinfast là những đơn vị đóng góp chủ lực.
Theo đó, ở lĩnh vực phụ trợ cơ khí chế tạo trong nước, Thaco Auto cùng nhiều đơn vị phụ trợ cơ khí cả nước cũng đã góp phần vào việc sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Để có được thành quả đó cũng là nhờ từ năm 2003, THACO Group đã sớm đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Đến nay, Khu công nghiệp THACO Chu Lai có tổng diện tích hơn 1.200 ha, tổng vốn đã thực hiện hơn 80.500 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), bao gồm Khu CNHT cơ khí, ô tô và nhiều khu sản xuất công nghiệp quan trọng khác.
Nhờ CNHT cơ khí ngày một phát triển, đến nay, Thaco Auto nói riêng và THACO Group Chu Lai nói chung được xem là Trung tâm công nghiệp ô tô và Logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN. Nhờ đó, những năm qua, THACO Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế nổi tiếng trên thế giới với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam. Tỷ lệ linh kiện nội địa hóa các sản phẩm ô tô của THACO hiện nay là: Xe du lịch 17-25%, xe tải 35-45%, xe bus trên 60%. Một số mẫu xe du lịch đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ô tô nội khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA. Về xuất khẩu linh kiện, phụ tùng cơ khí, năm 2021, doanh thu xuất khẩu lĩnh vực này của Công ty đạt hơn 30 triệu USD. Năm 2020, bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí của THACO AUTO vẫn đạt 17 triệu USD, tăng 25% so với năm 2019. Sản phẩm xuất khẩu chính gồm: Cản xe du lịch, dây điện, nhíp ô tô, áo ghế, két dàn nóng, linh kiện xe bus, linh kiện composite… Thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ý, Nga…
Có thể nói, với sự thích ứng linh hoạt, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu của Thaco Auto đã tăng cả về lượng lẫn giá trị. Đối với thị trường trong nước, Thaco Auto đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ô tô, xe máy và các doanh nghiệp FDI, như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio, Amann, Makitech…
Một số sản phẩm linh kiện phụ tùng cơ khí xuất khẩu của THACO AUTO
Đại diện Thaco Auto cho biết, đối với THACO, việc phát triển CNHT trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác, qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau gần 20 năm đầu tư tại Chu Lai, THACO đã hình thành Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech, Agata, Three Stars và các công ty đến đầu tư tại Chu Lai.
Giờ đây, để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí, bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu là tổ hợp cơ khí, thì liên doanh, liên kết là giải pháp chiến lược của Tập đoàn THACO. Điều này góp phần để Tập đoàn cũng như Thaco Auto mở rộng sang các lĩnh vực cơ khí mới, cụ thể là cơ khí nông - lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí công trình giao thông, cơ khí thiết bị công nghiệp…
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO cho biết, chiến lược của THACO trong giai đoạn mới là sự hợp tác, hình thành một hệ sinh thái. Trong phát triển đa ngành của THACO, Chu Lai là một căn cứ mà gần như có đủ tất cả ngành nghề.
Một trong những nhiệm vụ của Tập đoàn nói chung và Thaco Auto nói riêng là thông qua ô tô để phát triển ngành phụ trợ cơ khí, trung tâm cơ khí đa dụng của Quảng Nam và miền Trung. Hiện nay, những công ty phụ trợ cơ khí của THACO tại Chu Lai là cơ sở cơ khí đầy đủ nhất về thiết bị máy móc và lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề lớn nhất nước.
Tới làm việc tại Quảng Nam cũng như ThACO mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, cơ khí là một trong những lĩnh vực nền tảng của công nghiệp hiện đại. Không làm chủ được công nghiệp nền tảng, chúng ta không thể tự chủ được nền kinh tế. Nhân đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, để góp phần sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Hà Đăng