Từ nguồn kinh phí được Bộ Công Thương và UBND tỉnh giao, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình (TTKC) đã linh hoạt triển khai các chương trình khuyến công. Nhờ được thực hiện đồng bộ và sâu rộng nên hoạt động khuyến công của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến việc phát triển của các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Theo số liệu thống kê từ năm 2014 – 2020, TTKC đã triển khai 232 đề án khuyến công với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Trong đó, có 56 đề án khuyến công hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động; nâng cao tay nghề cho trên 5.535 người; tập huấn, nâng cao tay nghề vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp cho hơn 3.920 lao động và đào tạo lao động các ngành nghề khác là 950 người. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ xây dựng 04 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 106 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại, cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, xử lý môi trường với kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Mặt khác, TTKC cũng tích cực hỗ trợ tư vấn, tập huấn đào tạo, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước, cũng như nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Từ những việc làm hết sức có ý nghĩa đó, hoạt động khuyến công tỉnh Thái Bình đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, cũng như các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn hiệu quả.
Ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Bình cho biết: “Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng là nhờ trong suốt những năm qua, Trung tâm Khuyến công đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình; Sự hỗ trợ và hướng dẫn tích cực của Cục Công Thương địa phương, cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành liên quan và chính quyền các huyện/thị xã, các xã/phường/thị trấn; Sự cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công”.
Là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã được Trung tâm Khuyến công Thái Bình hỗ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng lao động đan lát các sản phẩm từ cói. Thông qua công tác đào tạo tay nghề, đến nay, người lao động tại doanh nghiệp đã hoàn thiện được các kỹ năng đan lát, sản phẩm làm ra mang tính thẩm mỹ cao và được thị trường tin dùng. Bà Phạm Thị Ngắn – Giám đốc Doanh nghiệp Tân An chia sẻ: “Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công Thái Bình trong việc tổ chức các lớp học nâng cao tay nghề đan lát thủ công, đến nay, toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp đã vững tay nghề và có thể làm ra nhiều sản phẩm đan lát có độ khó cao, mẫu mã đẹp với mức thu nhập bình quân đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhờ đạt chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao nên sản phẩm xuất khẩu của Tây An cũng tăng lên đáng kể tại các thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc…”
Tập huấn cho lao động nông thôn vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp đang được Trung tâm Khuyến công Thái Bình thực hiện tốt
Với mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả công tác khuyến công, thời gian tới, TTKC sẽ đề ra phương hướng, cũng như xây dựng nội dung và các giải pháp thực hiện hoạt động khuyến công. Theo đó, Trung tâm khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển công nghiệp nông thôn gắn với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp; giữa ngành công nghiệp với các ngành kinh tế khác. Mặt khác, Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, TTKC cũng sẽ tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đào tạo nghề may công nghiệp, tập huấn cho lao động vận hành sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp; tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Có thể khẳng định, hoạt động khuyến công Thái Bình trong suốt thời gian qua đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Trung tâm rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ hơn nữa từ phía Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh trong việc tăng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương. Qua đó, nâng mức hỗ trợ cho một số nội dung khuyến công để hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sức lan tỏa đến các địa bàn nông thôn.
Hoa Nguyễn