Thứ Sáu, 22/11/2024 00:40:46 GMT+7
Lượt xem: 7524

Tin đăng lúc 19-10-2017

Thái Nguyên: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và gia công đồ gỗ

Sản xuất và gia công đồ gỗ là ngành nghề đã phát triển nhiều năm trên vùng đất Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay đã ít nhiều tác động đến sự phát triển của ngành Gỗ. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công Thái Nguyên) đã tập trung hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, máy móc, công nghệ hiện đại cho nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn.
Thái Nguyên: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và gia công đồ gỗ
Máy CNC cho năng suất điêu khắc gỗ vượt trội so với phương pháp thủ công.

Qua đó, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động tại địa phương.

        

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Khuyến công Thái Nguyên, nhiều DN, cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn đã thực hiện được các dự án đổi mới, đầu tư, mua sắm thiết bị, máy móc, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến công đã tăng cường công tác phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thị, thành phố triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến gỗ. Trong đó, nổi bật với những đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ cho các Hộ kinh doanh Đồng Văn Hùng (huyện Phú Bình); Hộ kinh doanh Bế Văn Đạt (huyện Đồng Hỷ); Hộ kinh doanh Phạm Thị Mơ (huyện Đại Từ); Hợp tác xã Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh (thị xã Phổ Yên); Hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Sỹ (huyện Phú Lương)…

          

Đến nay, các đơn vị này đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư mới. Trước khi triển khai thực hiện đề án, các DN, cơ sở sản xuất được Khuyến công Thái Nguyên tư vấn kỹ lưỡng, cung cấp những thông tin về trang thiết bị, máy móc để các đơn vị chủ động sử dụng nguồn vốn hợp lý, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, công nghệ mới phục vụ sản xuất. Có thể nói, đây là hoạt động rất thiết thực, qua đó, giúp các cơ sở sản xuất gỗ từng bước thay đổi cách thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

          

Bà Phạm Thị Mơ – Chủ hộ kinh doanh, sản xuất đồ mộc tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, hồ hởi chia sẻ: “Năm 2017, trước đề xuất của chúng tôi về việc đầu tư cải tạo nhà xưởng và mua sắm mới một số máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã quyết định hỗ trợ chúng tôi sau một thời gian ngắn xem xét phương án đầu tư, nhu cầu cần thiết cũng như tính khả thi của đềán. Theo đó, mức kinh phí được Trung tâm phê duyệt thực hiện đề án là 747 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng để mua mới 01 máy điêu khắc gỗ CNC. Với công nghệ mới, máy CNC đã đem lại hiệu quả rõ rệt,năng suất lao động tăng từ 8 – 10 lần và đem lại lợi nhuận hàng năm đạt trên 240 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 07 lao động, với mức lương bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng”.

          

Cũng là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Hợp tác xã Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh cho biết: “Hợp tác xã Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh được thành lập năm 2011 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giường tủ và bàn ghế. Với số vốn ban đầu còn hạn chế nên hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa được đầu tư và cải tiến. Hơn nữa, trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội thất đồ gỗ, Trà Thịnh đã tìm cách thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.Trong năm 2017, được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ”, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 340 triệu đồng để mua mới 1 máy điêu khắc gỗ CNC đa chức năng. Máy vận hành hoàn toàn tự động thông qua hệ thống máy vi tính để gia công các loại gỗ có kích thước tối đa 2.500 x 1.300 x 180 (mm), tạo ra các sản phẩm gỗ có độ chính xác cao, nâng cao năng suất lao động lên gấp 8 – 10 lần so với sản xuất thủ công. Tỷ lệ sai hỏng sản phẩm gần như bằng không. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều, tiết kiệm điện năng. Qua đó, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm,cải thiện điều kiện làm việc của nhân công”.

          

Có thể nói, với các hoạt động hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, Khuyến công Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc cho các đơn vị đã nhận được sự quan tâm từ các DN, cơ sở sản xuất cùng lĩnh vực trong và ngoài tỉnh đến học hỏi và mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất./.

 

Theo Đề án phát triển chế biến thương mại và quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020, thì mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển khoảng 490 cơ sở chế biến gỗ, với tổng công suất khoảng 530.000 m3. Sản phẩm dự kiến đạt 157.000 m3 sản phẩm/năm và 157.000 tấn gỗ/năm. Trong đó, UBND tỉnh đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ sử dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước phát triển. Đồng thời, đình chỉ hoạt động, tháo dỡ các cơ sở không đảm bảo tiêu chí, không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản.

 

 Anh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang