Chủ Nhật, 24/11/2024 11:17:05 GMT+7
Lượt xem: 4050

Tin đăng lúc 26-07-2016

Thái Nguyên phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Phát huy thế mạnh về địa hình, đất đai, khí hậu đặc thù, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển một số loại cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hiệu quả.
Thái Nguyên phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Nông dân xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) thu hoạch chè.

Nâng cao chất lượng chè

 

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 21.127 ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 17.376 ha, hằng năm, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 111,88 tạ /ha, sản lượng chè búp tươi 194.409 tấn, sản lượng chè chế biến các loại 41.307 tấn. Cây chè đã gắn bó lâu đời với người nông dân, mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm qua, các cấp chính quyền đã có chính sách, tập trung chỉ đạo hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, sử dụng giống mới, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sạch cho chè.

 

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Xuân Hải cho biết, Thái Nguyên lấy ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao làm hạt nhân, động lực, then chốt phát triển nông nghiệp, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, thông qua chính sách hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đẩy mạnh thực hiện khuyến nông, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm chè. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 13.234 ha trồng chè giống mới, chiếm tỷ trọng 62,6%, số còn lại là diện tích trồng giống chè trung du, chiếm 37,4% tổng diện tích chè. Chè được xuất khẩu sang các thị trường: Pa-ki-xtan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt giá trị 14 triệu USD/năm nhưng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng chè của tỉnh, còn lại 80% tiêu thụ trong nước.

 

Đại Từ là huyện có diện tích chè lớn, chiếm một phần ba tổng diện tích chè của tỉnh, với hơn 7.000 ha. Chè mang lại thu nhập cho nông dân của huyện mỗi năm 800 tỷ đồng. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp thay thế giống mới, chè cành, áp dụng quy trình canh tác kỹ thuật sinh học, tổ chức các mô hình sản xuất chè an toàn, chất lượng cao, nằm trong đề án phát triển vùng chè hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng, huyện Đại Từ cho biết: Tranh thủ sự hỗ trợ 100% số cây giống của tỉnh, huyện, nông dân, xã viên chuyển đổi mạnh sang trồng giống chè mới, chè cành, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, an toàn, năng suất, chất lượng tăng lên, cùng với việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, sản xuất hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, xã mới có 86 hộ trong hơn một nghìn hộ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, việc tiêu thụ lại chưa có sự phân biệt sản phẩm chè VietGAP cho nên đã có sự lập lờ, gian lận hoặc người tiêu thụ không quan tâm, đều mua giá bình quân 350 nghìn đồng/kg chè búp khô. Các hộ làm theo quy trình VietGAP thua thiệt, không khuyến khích sản xuất theo phương pháp tiên tiến. Mặt khác, việc tiêu thụ của hợp tác xã, nông dân rất khó khăn, tự phát, không có kênh thu mua, phân phối theo chuỗi ổn định đã gây trở ngại các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

 

Xây dựng cánh đồng lớn

 

Huyện Phú Bình được xem là “vựa lúa gạo, thực phẩm” của tỉnh Thái Nguyên, với 5.070 ha lúa. Những năm qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện thực hiện phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) với nguyên tắc: cấy mạ non, cấy ít rảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn, bón phân hữu cơ, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm nhiều chi phí, phân bón, vật tư, công lao động, sản xuất bền vững. Tỉnh, huyện hỗ trợ giá giống lúa lai là 50 nghìn đồng/sào, để khuyến khích nông dân đưa giống lúa mới vào sản xuất. Tạo điều kiện ứng dụng khoa học - công nghệ, huyện đã quy hoạch, tổ chức cánh đồng lớn 250 ha ở ba xã: Úc Kỳ, Xuân Phương, Tân Đức, với cùng trồng một giống, cùng công thức quy trình, kỹ thuật, để tạo ra thế mạnh sản phẩm hàng hóa lúa cùng loại, chất lượng cao, số lượng lớn.

 

Tuy nhiên, việc tổ chức tập trung, cánh đồng lớn đang vấp phải những khó khăn, trở ngại. Trạm phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Nguyễn Văn Khiêm cho biết, ở Phú Bình và khu vực lân cận có nhiều nhà máy, khu công nghiệp (Sam sung, TQT, Điềm Thụy…) đã thu hút hàng trăm nghìn lao động trẻ cho nên rất thiếu lao động làm nông nghiệp, phần lớn là người quá tuổi lao động. Mặt khác, Phú Bình nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung, chưa thực hiện dồn điền, đổi thửa nên rất khó đưa cơ giới, máy móc vào canh tác cũng như thống nhất về giống, thời vụ, quy trình kỹ thuật. Bức xúc về chuyện này, chị Dương Thị Thành, xóm Múc, xã Úc Kỳ bày tỏ: Mỗi hộ hiện có ba đến năm mảnh ruộng, các hộ ruộng liền nhau, bảo nhau cùng cấy một giống, thời vụ, dễ làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sử dụng máy móc, nhưng không bền vững, một lý do gì đó chẳng liên quan đến sản xuất cũng có thể phá vỡ cam kết, vì vậy cần thiết phải tiến hành dồn điền, đổi thửa.

 

Phát triển vùng cây ăn quả

 

Phúc Thuận là một trong bốn xã miền núi, ven dãy núi Tam Đảo, thuộc vùng kinh tế phía tây, bên sông Công của thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Do đặc điểm tự nhiên, khí hậu, đất đai tiểu vùng, ở Phúc Thuận đã hình thành vùng cây ăn quả 400 ha, trong đó hơn 200 ha nhãn, còn lại là cam, thanh long, ổi, bưởi. Tỉnh, thị xã đã quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng cây ăn quả này bằng xây dựng hạ tầng, đường giao thông nội vùng, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo giống với phương pháp ghép mắt… để nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

 

Ông Nguyễn Viết Quỳnh, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận cho biết, người dân ở đây chủ yếu là người từ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên khai hoang, lập nghiệp từ năm 1974, đã mang theo giống nhãn quê hương trồng nơi quê mới rất thích hợp, vị đậm hơn, năng suất cao hơn. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, cây nhãn đã phát triển có diện tích lớn như hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển thành vùng cây ăn quả hàng hóa, ổn định ở Phúc Thuận, rất cần sự tiếp tục đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng đường giao thông, tạo nguồn nước cho thủy lợi, giống, vốn, nhất là xây dựng, bảo hộ thương hiệu “Nhãn Phúc Thuận”.

 

Được biết tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đưa Phúc Thuận là một trong bốn điểm xây dựng vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 310 ha trồng các loại cây nhãn lồng, bưởi, cam. Đây là những cây chủ lực góp phần quan trọng làm nên giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên năm 2015 đạt 84 triệu đồng/ha đất canh tác và dự kiến năm nay là 88 triệu đồng/ha.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang