Thứ Sáu, 22/11/2024 15:48:00 GMT+7
Lượt xem: 1809

Tin đăng lúc 07-04-2019

Thái Nguyên tăng cường thu hút đầu tư

Nhờ thu hút đầu tư, những năm gần đây, kinh tế tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Với những kết quả đó, Thái Nguyên đang phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thái Nguyên tăng cường thu hút đầu tư
Công nhân Công ty MaNi Hà Nội (Khu công nghiệp Điềm Thụy) sản xuất thiết bị y tế nha khoa xuất khẩu.

Nhiều dự án có sức lan tỏa lớn

 

Trước khi quyết định đầu tư vào Thái Nguyên, Công ty TNHH Samsung cử tổ công tác tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương. Sau nhiều lần khảo sát, tìm hiểu thực tế, Công ty TNHH Samsung nhận thấy, đầu tư vào Thái Nguyên có bốn thuận lợi cơ bản. Một là, lãnh đạo tỉnh rất nhiệt huyết, quyết tâm thu hút đầu tư, cung cấp đủ mặt bằng để xây dựng nhà máy, hạ tầng đồng bộ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Hai là, hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối thuận lợi với các loại hình giao thông khác. Ba là, với bảy trường đại học và hàng chục trường cao đẳng dạy nghề, tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Bốn là, nhân dân trong tỉnh đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Do đó, Samsung quyết định đầu tư gần bảy tỷ USD vào Thái Nguyên để xây dựng tổ hợp sản xuất điện thoại di động, kéo theo hàng chục nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ. Hằng năm, Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 70 nghìn lao động tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Tương tự, với tổng số vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Masan đầu tư khai thác, chế biến von-fram tại mỏ Núi Pháo cũng có sức lan tỏa lớn đối với kinh tế tỉnh Thái Nguyên. Với việc khai thác, chế biến von-fram ngay tại mỏ Núi Pháo (huyện Ðại Từ), Tập đoàn Masan trở thành nhà cung cấp các sản phẩm chế biến sâu von-fram lớn nhất ngoài Trung Quốc, chiếm 36% thị phần thế giới, doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, hằng năm đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, đồng thời đơn vị đã dành hơn một triệu USD đầu tư vào các chương trình an sinh xã hội tỉnh Thái Nguyên.

 

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, tỉnh đã vận động các nhà đầu tư thuê đất 50 năm trả tiền một lần để có vốn xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Kết quả đã huy động được hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng KCN Ðiềm Thụy với hệ thống giao thông nội bộ, giao thông kết nối, hệ thống cấp điện, nước, xử lý nước thải được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Các nhà đầu tư vào KCN Ðiềm Thụy đều là các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực về tài chính, quản trị tốt cho nên ngay sau khi được giao mặt bằng đã xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, mặt bằng KCN Ðiềm Thụy nhanh chóng được lấp đầy 100% với 77 dự án với vốn đầu tư gần một tỷ USD và khoảng 3.000 tỷ đồng. Doanh thu của các nhà máy, cơ sở sản xuất, dự án trong KCN Ðiềm Thụy năm 2018 đạt hơn một tỷ USD, nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động.

 

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời nhận định: Ba năm trở lại đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỉnh áp dụng cơ chế một cửa liên thông nên thời gian đăng ký thành lập DN xuống dưới hai ngày, thời gian nhận quyết định đầu tư cho dự án xuống dưới 25 ngày; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu xuống còn dưới 24 ngày, giảm nhiều so với quy định của pháp luật. Ngành thuế và hải quan áp dụng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, cho nên DN giảm được rất nhiều thời gian cho việc này.

 

Kinh tế tăng trưởng nhanh

 

Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 670 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so năm 2017, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố; xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố; thu nhập bình quân đạt 77,7 triệu đồng/người, tăng gần 10 triệu đồng/người so năm 2017. Với mức tăng trưởng cao liên tục trong ba năm qua, bình quân đạt 13,15%/năm, tổng nguồn lực đầu tư giai đoạn 2016 - 2018 đạt 163 nghìn tỷ đồng, đến nay, 18 trong tổng số 19 chỉ tiêu thành phần Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đã đạt và vượt tiến độ, trong đó có 12 trong số 19 chỉ tiêu mang tính bứt phá. Thu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, năm 2018 đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng hơn hai lần so năm 2015, góp phần phấn đấu cân đối thu - chi vào cuối nhiệm kỳ này. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 57,2%; dịch vụ chiếm 31,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,9%...

 

Tính đến tháng 6-2018, tỉnh thu hút 869 dự án, trong đó có 740 dự án đầu tư trong nước, với số vốn hơn 146 nghìn tỷ đồng; 129 dự án FDI với số vốn hơn 7,2 tỷ USD. Ðặc biệt, từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào tháng 7-2018 đến nay, tỉnh thu hút 63 dự án của 44 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng. Ðồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước đầu tư, khảo sát, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư triển khai dự án. Ðiều đáng mừng là tất cả các dự án được ký kết đều thực chất, nhiều dự án có mức đầu tư rất lớn, đi vào khai thác trong thời gian tới sẽ tạo động lực và sức lan tỏa để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm an sinh xã hội, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng những chương trình cụ thể như đầu tư phát triển kinh tế, xã hội các xóm, bản có đông đồng bào người Mông; xóa xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia; phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; hằng năm phát động "Tuần lễ cao điểm Tết vì người nghèo", năm 2018 và 2019 huy động gần 40 tỷ đồng để giúp đỡ hộ nghèo với tinh thần "Không ai bị bỏ lại phía sau".

 

Nguồn Nhân Dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang