Trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã triển khai hàng loạt các biện pháp đồng bộ nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào các CCN. Một trong những yếu tố then chốt giúp Thái Nguyên tạo được sức hút chính là sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và các tiện ích trong CCN. Các tuyến đường huyết mạch kết nối Thái Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận ngày càng được nâng cấp và mở rộng.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước, viễn thông trong các CCN cũng được chú trọng đầu tư, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của các doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã và đang triển khai các dự án nâng cấp đường giao thông nội bộ, hệ thống xử lý nước thải, trạm điện... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đặt chân đến Thái Nguyên.
Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, 7 CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút thêm 38 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng diện tích đất cho thuê là 58,25ha, tổng vốn đăng ký trên 8.726 tỷ đồng. Nhiều dự án có tổng mức đầu tư rất cao, như: Nhà máy cán thép hình Đại Việt Phú Bình với 2.200 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giấy Xuân Phương 350 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giấy Phúc Huy trên 159 tỷ đồng…
Những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên tích cực mời gọi nhà đầu tư, tạo thuận lợi phát triển CCN. Đến nay, tỉnh có 13/41 CCN đi vào hoạt động thu hút 75 dự án/cơ sở sản xuất; hiện có 59/75 dự án/cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2024, tổng doanh thu của dự án đầu tư trong các CCN là 10.612 tỷ đồng; giải quyết làm việc cho 11.738 lao động, nộp ngân sách nhà nước ước khoảng 176 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã hoạt động đạt 56%.
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên: Các CCN đi vào hoạt động sẽ góp phần vào giá trị đầu tư, bởi một suất đầu tư vào CCN đạt mấy chục tỷ đồng/ha sẽ có tác động tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn trong thu hút đầu tư vào CCN là vấn đề hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quy mô diện tích nhỏ lẻ và các thủ tục hành chính đôi khi còn phức tạp. Để giải quyết điều này, Thái Nguyên đã phê duyệt và triển khai nhiều dự án đầu tư công nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đến các CCN, nâng cấp hệ thống điện, nước, và xử lý nước thải. Điển hình là các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ kết nối các CCN với các trục giao thông huyết mạch quốc gia.
Bên cạnh đó, nhằm tạo quỹ đất sạch, có quy mô hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các CCN hiện có, đồng thời xem xét thành lập các CCN mới có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ hơn.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư. Việc thành lập các tổ công tác đặc biệt hỗ trợ nhà đầu tư cũng cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi. Bên cạnh việc tham gia các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư quốc gia, Thái Nguyên còn chủ động tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và các chính sách ưu đãi của tỉnh, đặc biệt là đối với các CCN.
Thái Nguyên đang cho thấy một hình ảnh năng động và quyết tâm trong việc thu hút đầu tư vào các CCN. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các CCN không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống người dân. Trong tương lai, Thái Nguyên hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam.
An Nhi