Với vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông-Tây, Côn Minh-Hải Phòng và là trục giao lưu nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, Nam Bộ; Thanh Hóa có hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch: đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Xuyên Việt, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, đường chiến lược 15A xuyên suốt vùng trung du và miền núi Thanh Hoá, đường 217 nối với nước bạn Lào. Về giao thông đường thủy, Thanh Hoá có 4 hệ thống sông chính gồm: Sông Mã, Sông Hoạt, Sông Yên, Sông Lạch với 5 cửa thông ra biển. Bờ biển dài 102 km và cảng biển Nghi Sơn cho tàu 10 ngàn tấn trở lên ra vào, tương lai trở thành cảng nước sâu chính của khu vực Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thanh Hoá rất có tiềm năng phát triển giao thông vận tải biển thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với thế giới. Về hàng không, tỉnh hiện có Cảng Hàng không Thọ Xuân với tuyến Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Mê Thuột và chuẩn bị mở nhiều tuyến bay khác. Những điều kiện giao thông trên là những nhân tố thuận lợi trong hội nhập quốc tế, có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ thương mại-du lịch.
Tài nguyên du lịch tự nhiên, đặc điểm nổi bật của Thanh Hóa là địa hình đa dạng từ núi cao qua miền đồng bằng kéo dài ra biển, trong đó địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch. Thanh Hoá có đường biển dài, tương đối bằng phẳng; dọc bờ biển có những dãy núi đâm ra biển tạo nên các vũng như: Vũng Gầm, vũng Thuỷ, vũng Biện… xen kẽ là các cửa lạch như: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, hiện nay đã và đang trở thành những cụm để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng ở tỉnh Thanh Hoá. Biển còn đem lại cho Thanh Hoá những điểm nghỉ mát nổi tiếng như: Sầm Sơn, núi đá Hoa Cương Độc Cước, bãi cát trắng mịn, bờ thoải và rừng phi lao xanh mát. Ngoài ra còn một số bãi tắm khá lý tưởng khác đã và đang được đầu tư, khai khác đưa vào sử dụng như Quảng Vinh (Quảng Xương); Hải Tiến (Hoằng Hoá), Hải Hoà (Tĩnh Gia)… Ngoài khơi vùng biển Thanh Hoá còn có một số đảo nhỏ, không xa bờ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, Đảo Nghi Sơn… Ở vùng núi đá vôi Thanh Hoá có nhiều hang động karster khá đẹp gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hoá như động Từ Thức (Nga Sơn) với vẻ đẹp huyền ảo hấp dẫn du khách, hay Động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP Thanh Hoá), động Hồ Công (Vĩnh Lộc), quần thể hang động Trường Lâm (Tĩnh Gia); động Tiên Sơn (Vĩnh Lộc) - một hang động có quy mô lớn và đẹp, động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (Ngọc Lặc)... Ngoài ra còn một số hang động khác ở rải rác một số nơi trong toàn tỉnh như: Hang Con Moong (Thạch Thành); động Cây Đăng (Cẩm Thuỷ); Lò Cao kháng chiến Hải Vân - Bến En (Như Thanh) và những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi như Bến En, Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, … là những điểm du lịch kỳ thú ngày càng hấp dẫn du khách đến với Thanh Hoá.
Tài nguyên du lịch nhân văn, so với các tỉnh, Thanh Hóa là địa phương có hệ thống di tích lịch sử không chỉ có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại, với 1.535 di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, trong đó có 803 di tích được xếp hạng với 145 di tích quốc gia, 658 di tích cấp tỉnh, trong đó có những cụm di tích lớn có giá trị đặc biệt như di tích lịch sử thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới; khu di tích văn hóa lịch sử Lam Kinh, Di tích khảo cổ hang Con Moong, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật khu di tích Bà Triệu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt... Ngoài ra, hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, các điệu hò trên sông Mã đến các làn điệu dân ca, dân vũ (hò sông Mã, hát sẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xoè…); những lễ hội (Bà Triệu, Lam Kinh, sòng Sơn, Hàn Sơn…); ẩm thực (chè Lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, báo Sâm, nem chua, dừa, cá Mè sông Mực, nước mắm Du Xuyên…); làng nghề truyền thống (đúc đồng Thiệu Trung, tơ Hồng Đô, đá núi Nhồi, dệt thổ cẩm, chiếu cói Nga Sơn…), phong tục tập quán của nhiều dân tộc anh em trên cùng vùng đất Xứ Thanh.
Với những thế mạnh đó, trong hành trình du lịch xuyên Việt, Thanh Hoá được coi như một điểm dừng khá lý tưởng không chỉ vì tính chất trung chuyển mà còn vì sự hấp dẫn của chính vùng đất này. Thanh Hoá có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử (Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, quần thể Di tích Văn hóa Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn...); du lịch nghỉ dưỡng biển (Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến…); du lịch sinh thái văn hóa miền núi, du lịch cộng đồng (khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Vườn quốc gia Bến En…); sản phẩm làng nghề du lịch (nghề cói Nga Sơn, đúc đồng Thiệu trung - Thiệu Hóa, nghề dệt thổ cẩm tại các bản vùng cao…); du lịch đường thủy (Sông Mã, biển đảo…).
Trong những năm gần đây, các khu, điểm du lịch quan trọng của Thanh Hoá đã được quy hoạch và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 81 dự án, với tổng vốn đăng ký 20.000 tỷ đồng, trong số đó phải kể đến dự án du lịch nghỉ dưỡng - sân golf FLC Sầm Sơn.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút du khách, tạo ra giá trị cạnh tranh là một bước quan trọng trong việc hình thành thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là ngành du lịch Thanh Hóa đang nỗ lực tạo dựng các giá trị mới, ấn tượng, hướng đến mục tiêu sớm trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Duy Phương
Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Thanh Hóa