Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo
Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến của Thanh Hoá đang tập trung vào 2 nhóm ngành chính, gồm: Chế biến thực phẩm, đồ uống và chế biến lâm sản. Ngoài ra, còn có thể kể đến các ngành như: Cơ khí; Điện tử và sản xuất kim loại; Hóa chất; Cao su; Nhựa, Dệt may; Da giày… Đây đều là những ngành có lợi thế về vùng nguyên liệu, lao động, nên được tỉnh khuyến khích phát triển, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, đa phần sản phẩm của các nhóm ngành chế biến này chỉ chế biến và xuất khẩu ở dạng thô, ít có sản phẩm chế biến sâu, giá trị mang lại còn thấp.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hoá, nhóm ngành chế biến thực phẩm, đồ uống đạt giá trị sản xuất khoảng 2.300 đến 2.500 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân khoảng hơn 13%/năm, thấp hơn 12,05% so với mức tăng trưởng công nghiệp bình quân của tỉnh. Nhóm ngành chế biến lâm sản chỉ đạt giá trị sản xuất trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,31%/năm, thấp hơn 23,78% so với tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.
Để nâng cao giá trị cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Thanh Hoá đã định hướng phát triển ngành này theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Thực hiện định hướng phát triển của tỉnh, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu.
Tại những địa phương có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp chế biến cũng đã và đang thực hiện các giải pháp hướng đến phát triển theo chiều sâu. Đơn cử như huyện Như Xuân có 20.036 ha rừng trồng, chủ yếu là cao su và keo; trong đó, diện tích cho khai thác hàng năm khoảng 2.000 ha và được xem là ưu thế nổi bật để phát triển nhóm ngành chế biến lâm sản. Để ngành chế biến lâm sản phát triển theo chiều sâu, huyện đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư chế biến lâm sản, nhất là chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như gỗ ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, hàng mộc cao cấp...
Ngoài ra, huyện Như Xuân còn tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn các xã thay đổi tập quán trồng rừng sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó tăng cường trồng rừng gỗ lớn. Nhờ đó, huyện đã phát triển được 14 DN và 100 cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều DN đã đầu tư chế biến lâm sản theo chiều sâu, như Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa là DN chuyên sản xuất sản phẩm ván ép xuất khẩu, với công suất khoảng 20.000m3 sản phẩm/năm, mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 35.000 đến 36.000 tấn nguyên liệu.
Để thực hiện định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian qua, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng chính quyền các địa phương tập trung thu hút đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư. Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhất là đối với các dự án công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương còn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và nhóm giải pháp về môi trường. Đồng thời, tỉnh có cơ chế, chính sách để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, trong đó có nhóm ngành công nghiệp chế biến.
Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ (CNHT)
Ở tầm vĩ mô, đẩy mạnh phát triển các ngành CNHT, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra trong Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đến năm 2030.
Thanh Hoá xác định công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột của sản xuất công nghiệp
Theo Đề án, tỉnh Thanh Hóa tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, trong đó trọng tâm là: Sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành CNHT.
Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án thuộc lĩnh vực CNHT. Điển hình như Nhà máy STech Vina của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD, đến nay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số dự án đang trong quá trình triển khai hồ sơ thủ tục hoặc trong giai đoạn xây dựng như: Dự án sản xuất dây cáp điện của Công ty THN Corporation tại Cụm công nghiệp Hà Dương, huyện Hà Trung với tổng vốn đầu tư 231 tỷ đồng. Dự án Xưởng bảo trì, bảo dưỡng, chế tạo PECI Việt Nam của Công ty TNHH PECI Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11 triệu USD tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Hiện tỉnh cũng đang nghiên cứu thành lập cụm CNHT ngành Dệt may nhằm cung cấp các sản phẩm cho các nhà máy sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh và các vùng phụ cận.
Minh Phương