Những hạn chế "biết rồi, nói mãi"
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Saigon Food cho biết, ngoài những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lớn, hiện tại nhiều DN sản xuất thủy sản trong nước điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm còn ở mức thấp, không ổn định.
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các DN chú trọng, nhưng nhận thức của nhiều nhà sản xuất, chế biến, tiêu thụ vẫn có quan điểm chất lượng sản phẩm nội địa không cần bằng chất lượng sản phẩm xuất khẩu; việc tôm bơm agar, cá nhiễm kháng sinh cấm, mực xử lý thuốc tẩy trắng… đã khiến cho niềm tin của người tiêu dùng trong nước giảm sút mạnh.
Cùng với đó, chi phí vận tải, lưu thông và phân phối cao khiến cho sản phẩm thủy sản bán trong nước có giá thành cao, dẫn đến hạn chế tiêu thụ trong nước. Cá biệt một số sản phẩm bán trong nước có giá còn cao hơn xuất khẩu, chẳng hạn cá phi lê đông lạnh xuất khẩu 56.000-60.000 đồng/kg, nhưng cá tra cắt khúc đông lạnh bán tại Hà Nội là 70.000-80.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, do thói quen và thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp, nên yêu cầu chất lượng sản phẩm chưa cao, tập trung vào các sản phẩm tươi sống, hoặc đã chế biến có chất lượng trung bình.
Dư địa rất lớn trên "sân nhà"
Mặc dù tiêu thụ thủy sản tại thị trường trong nước còn hạn chế, nhưng TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) vẫn tin tưởng rằng thị trường nội địa còn rất nhiều dư địa phát triển cho các DN thủy sản, vì nhu cầu hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tiếp theo.
“Thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân, trong đó khoảng 35% dân số sống ở thành thị; nhu cầu tiêu dùng ngày càng được tăng cao do thu nhập của người dân dần được cải thiện, kèm theo đó là sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ, đặc biệt là kênh bán lẻ hiện đại… chính là cơ hội rất lớn cho các DN ngành thủy sản”, bà Loan khẳng định.
Cũng theo bà Loan, hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao đã quay về với người tiêu dùng trong nước với khoảng 8.000 cơ sở chế biến cung cấp cho thị trường nội địa hơn 400.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương với giá trị khoảng 15.000 tỉ đồng. Theo quy hoạch, mức tiêu thụ trong nước được dự báo là 940.000 tấn (thủy sản đông lạnh chiếm trên 30%)
Tuy nhiên, theo Chủ tịch AVR, để chiếm lĩnh thị trường nội địa thì các vấn đề như chất lượng, ATTP, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã… cần được các DN thủy sản trong nước nâng cao. Việc liên kết giữa nhà sản xuất-chế biến-nhà phân phối-bán lẻ cũng cần phải hiệu quả hơn nữa.
Theo phản ánh của nhiều DN chế biến thủy sản trong CLB hàng nội địa VASEP (gồm 26 thành viên, trong đó có nhiều DN thủy sản lớn), hằng năm một số nhà phân phối, bán lẻ tăng mức chiết khấu/doanh thu (mức tăng ít nhất từ 2-3%/năm, nhiều từ 5-15%/năm so với năm trước). Đồng thời vẫn còn hiện tượng nhà phân phối kéo dài hoặc trì hoãn thời gian thanh toán tiền hàng nhằm chiếm dụng vốn của nhà cung cấp, gây khó cho DN cung cấp hàng vào hệ thống phân phối.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ cùng VASEP phối hợp giải quyết những vướng mắc giữa các nhà cung cấp và phân phối, nhằm tăng sự hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần hợp tác cùng có lợi.
Ở góc độ của một nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, các nhà cung cấp, nhà sản xuất cũng nên lưu ý rằng, việc hoàn tất các thủ tục đầu vào chỉ là điều kiện cần, bởi vì cũng như các sản phẩm phân phối khác, Saigon Co.op còn phải căn cứ vào nhu cầu, sức mua, nhu cầu thay thế của từng mặt hàng… mới có thể quyết định đặt hàng những sản phẩm nhất định vào thời điểm nhất định.
Theo quan điểm của các nhà phân phối bán lẻ, để có thể xâm nhập vào kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, có 3 điểm cơ bản nhất mà DN nói chung và DN thủy sản nói riêng cần phải đáp ứng.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hàng hóa phải có chất lượng ổn định. Tiếp đến DN phải đảm bảo được các điều kiện cung ứng, vì nếu hàng vào được siêu thị rồi mà không tới được điểm bán thì cơ hội bán hàng sẽ mất đi. Cuối cùng, hàng hóa muốn vào được siêu thị phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng người tiêu dùng. Cùng một mặt hàng nhưng các sản phẩm có tính độc đáo sẽ luôn được ưu tiên.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ