5 nhóm sản phẩm dự thi “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ” gồm: Nhóm gốm sứ và thủy tinh; nhóm dệt và thêu; nhóm mây, tre, lá; nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ và nhóm khác (mỹ nghệ sừng, trai ốc, chạm khắc đá kim khí; hoa, tranh…). Điều kiện dự thi phải là sản phẩm mới, do chính tác giả, hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không phải là sản phẩm sao chép; Sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác ở trong và ngoài nước.
Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi: Hoàn toàn là ý tưởng mới, không sao chép; Sản phẩm có tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, có công dụng rõ ràng thuận tiện cho người sử dụng; Sản phẩm mang giá trị tính truyền thống (nguyên liệu, tay nghề, văn hóa…), phù hợp với cuộc sống hiện nay; Sản phẩm thân thiện với môi trường (từ nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng) và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; Có tiềm năng thị trường cao (có khả năng sản xuất hàng loạt đối với sản phẩm hàng hóa số lượng nhiều; Có khả năng phát triển tác phẩm đối với sản phẩm đơn chiếc).
Đây là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước, không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, thiết kế, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thời gian tiếp nhận sản phẩm dự thi dự kiến từ ngày 25/9 - 05/10/2021. Tổ chức Lễ trao giải gắn với khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 17 hoặc các sự kiện xúc tiến thương mại làng nghề tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 11/2021.
Minh Hiếu