Ngày 7/3, tại Hà Nội diễn ra Chương trình Tự hào Phụ nữ Việt Nam và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 (XII) đang diễn ra. Chương trình vinh dự đón Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dự và lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các đại biểu nữ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 cho các tập thể, cá nhân (Ảnh: VGP)
Cùng tham dự Chương trình có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; các cán bộ, hội viên phụ nữ đại diện cho hàng triệu phụ nữ tiêu biểu của 63 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 cho tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải thưởng Kovalevskaia nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân nhà khoa học nữ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ đất nước.
Chương trình cũng đã vinh danh và tặng Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho 100 phụ nữ là điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, kinh tế, nông nghiệp, công tác xã hội, từ thiện...
Mở đầu đối thoại với các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến những người phụ nữ trên cả nước nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và nhân sự kiện quan trọng là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã khai mạc sáng 7/3. Thủ tướng đặc biệt chúc mừng 100 phụ nữ tiêu biểu được vinh danh; các tập thể, cá nhân nhận giải thưởng Kovalevskaia. Đây là những phụ nữ tài năng, trí tuệ đại diện cho phụ nữ Việt Nam.
Thủ tướng biểu dương các phụ nữ có thành tích xuất sắc (Ảnh: VGP)
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để các cơ quan quản lý trong lĩnh vực xây dựng có bộ phận tư vấn giúp doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng biết được quy trình trong lĩnh vực xây dựng, nhất là các công trình lớn, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án.
Thủ tướng cho rằng, yêu cầu hiểu biết về quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình là vấn đề quan trọng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng, các cơ quan có chức năng sẵn sàng cung cấp, tư vấn cho các nhà đầu tư để đưa ra những đồ án quy hoạch kiến trúc, thiết kế cụ thể, phục vụ các nhà đầu tư tốt nhất, nhanh nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đảm nhận công khai công việc này để cung cấp cho nhà đầu tư.
Bày tỏ sự cảm động về việc Thủ tướng dành thời gian dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc và đối thoại với phụ nữ, dựà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi với Thủ tướng: Trong số 17 mục tiêu toàn cầu hướng tới sự phát triển bền vững năm 2030 có một mục tiêu về bình đẳng giới. Trong giai đoạn này, với tinh thần là một Chính phủ kiến tạo, hành động, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đột phá nào để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thực hiện lộ trình để phát triển bền vững đến năm 2030?
Thủ tướng trả lời: Để thực hiện chương trình này cần phải xây dựng Chương trình hành động quốc gia và triển khai Luật bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới đã ra đời 10 năm và cần tổng kết để bổ sung những vấn đề đặt ra trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới này, phải phối hợp tốt với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai chương trình này.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam để thực sự thực hiện bình đẳng giới, đồng thời bố trí nguồn lực và lồng nghép tốt các chương trình để thực hiện chương trình này tốt nhất. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, đánh giá, cũng cần phải tiếp tục quán triệt, giáo dục, tuyên truyền tốt hơn để mọi ngành, mọi cấp hiểu được những nội dung căn bản của bình đẳng giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các đại biểu phụ nữ toàn quốc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng cho rằng, thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đối với câu hỏi về giải pháp tăng số doanh nghiệp có chủ là nữ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện và trình Quốc hội ngay trong phiên họp sắp tới để xem xét thông qua Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng đến vấn đề chủ doanh nghiệp là nữ giới. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã làm việc với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ là nữ.
Với gần 50% là lao động nữ, Thủ tướng cho rằng Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phụ nữ. Thủ tướng mong muốn phụ nữ Việt Nam tiếp tục học tập, nghiên cứu, để có thể khởi nghiệp, góp phần phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp do nữ làm chủ.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, thì nêu vấn đề, tỷ lệ nữ giới trong cộng đồng khởi nghiệp vẫn rất hạn chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã lắng nghe Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có đề án về Chương trình khởi nghiệp của nữ giới, và Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp duyệt Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp là nữ giới trong thời gian tới. Trong đó có đặt ra các vấn đề về vốn, đào tạo nguồn nhân lực...
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, chị em phụ nữ cần tiếp tục học tập, rèn luyện, nghiên cứu, mà đặc biệt là tự học, học tập suốt đời, để tiếp tục khởi nghiệp. Bởi những tấm gương là nữ chủ doanh nghiệp thành công ngày hôm nay không phải ngay từ đầu đã giỏi, mà là do học tập, nghiên cứu, rèn luyện, quyết tâm, tự tin, bản lĩnh và phấn đấu. Những yếu tố đó cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng tin tưởng nhất định những phụ nữ khởi nghiệp sẽ thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các đại biểu phụ nữ toàn quốc. Ảnh VGP
Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc nâng tỷ lệ nữ trong các cơ quan quản lý Nhà nước và cho rằng, hiện tỷ lệ đại biểu Quốc hội của nước ta là trên 27%, một tỷ lệ cao của thế giới và khu vực. Tuy vậy, tỷ lệ phụ nữ là lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền còn thấp, và cần phấn đấu nâng tỷ lệ này lên. Đó là tiêu chí đó là quan trọng để thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.
Về vấn đề bạo lực gia đình, Thủ tướng cho rằng cần giáo dục mọi thành viên của xã hội sớm chấm dứt tình trạng này, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Kết thúc buổi đối thoại, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ một lần nữa cam kết sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để lắng nghe các đề xuất, các nguyện vọng, cùng thảo luận, đưa ra những mô hình tốt, quan tâm tạo điều kiện hơn nữa tới phụ nữ, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong xã hội./.
Nguồn Vov.vn