Sáng 11/5, lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các ngân hàng châu Á 2016 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và tổ chức The Asian Banker phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội.
“Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị - là diễn đàn chính thức cấp cao uy tín để các nhà lãnh đạo ngân hàng, các chuyên gia và cơ quan quản lý thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề và thách thức mới đang nổi lên trong khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và hoan nghênh chủ đề của Hội nghị lần này là “Các đột phá mới” - phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính, ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển.
Thủ tướng cho biết trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã kiên trì đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Với mức tăng trưởng đạt bình quân khoảng 6,6%/năm, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, từng bước áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tiệm cận dần với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong đó, ngành ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng nói Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong ba quốc gia Đông Á tăng trưởng khởi sắc trong năm 2015. Các định chế tài chính này cũng nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và sẽ là một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2016.
“Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nhìn nhận và nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững.
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên của G7 và 15 thành viên của G20.
“Tôi mong rằng trong thời gian dự Hội nghị, quý vị sẽ hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam mến khách, tìm hiểu các cơ hội và đối tác để đầu tư kinh doanh ổn định lâu dài với đất nước chúng tôi”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời khẳng định thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của Việt Nam và Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác vì một cộng đồng châu Á và thế giới vững mạnh, ổn định, thịnh vượng.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại buổi lễ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới; không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường Việt Nam.
Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.
The Asian Banker Summit là hội nghị thường niên lớn nhất khu vực, quy tụ hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đến từ hơn 30 quốc gia khu vực châu Á và các nước có nền kinh tế phát triển.
Hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế hiểu thêm về hệ thống ngân hàng của Việt Nam và giúp các ngân hàng Việt Nam phát triển các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy quá trình thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại cho ngành tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
|
Nguồn: Chinhphu.vn