Bước sang giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế dự kiến sẽ dành khoảng 59,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình khuyến công, trong đó sẽ tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương.
Mục tiêu của Chương trình khuyến công giai đoạn này là góp phần phát triển CNNT trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; phát triển các ngành nghề và làng nghề có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ; góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình liên quan khác. Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề truyền thống và các dịch vụ khuyến công phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, nguồn vốn khuyến công sẽ hỗ trợ trên 01 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; ứng dụng thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm…
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác khuyến công đã và đang được TTKC triển khai đúng tiến độ, trong đó, hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất được các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn đánh giá là một trong những hoạt động thiết thực và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể kể đến như đề án “Ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm phù trúc” của Hộ kinh doanh thực phẩm chay Phú Lộc đóng tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Tổng kinh phí thực hiện là 140 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 64 triệu đồng để đầu tư hệ thống kho lạnh công suất 5 tấn sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản sản phẩm sau sản xuất.
Chủ cơ sở cho biết, trước đây, do sản xuất quy mô hộ gia đình, kinh phí đầu tư hạn chế nên cơ sở chỉ đầu tư tủ đông bảo quan thực phẩm cỡ nhỏ, công suất 1.000 lít. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chay ngày càng tăng cao, bình quân từ 4-4,5 tấn/tháng, do vậy công suất tủ nhỏ không đảm bảo, khiến cho cơ sở khống dám nhận nhiều đơn đặt hàng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số bán hàng. Tháng 4/2021, cơ sở đã mạnh dạn lập đề án “Ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm phù trúc” trình các cấp và được Sở Công Thương tỉnh phê duyệt triển khai hỗ trợ. Từ ngày đưa kho đông vào vận hành đến nay, quy trình bảo quản sản phẩm khá thuận lợi nên cơ sở đã nhận nhiều đơn hàng thực phẩm chay với số lượng lớn.
Cũng là cơ sở được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Narasa tại xã Hương Bình, Thị xã Hương Trà đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 90 triệu đồng để mua máy sấy phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất.
Nói về hiệu quả của đề án đem lại, ông Lê Ngọc Tuân - Giám đốc HTX cho biết, HTX chuyên nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các loại nấm ăn như: Nấm mối đen, nấm bào ngư, nấm hoàng đế,… đặc biệt là các loại nấm dược liệu quý như: Linh chi, đông trùng hạ thảo… Thị trường ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng các loại nấm, đặc biệt là nấm linh chi và đông trùng hạ thảo ngày càng nhiều, trong khi đó HTX lại chưa đầu tư máy sấy nên việc sản xuất kinh doanh gặp khá nhiều khó khăn do phải đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo đi thuê sấy gia công với chi phí khá cao. Sau khi được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy thăng hoa đã giúp HTX tiết kiệm được chi phí và chủ động hơn rất nhiều trong sản xuất kinh doanh. Hiện sản phẩm của HTX đang được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với sản lượng tiêu thụ trên 10 tấn nấm mỗi tháng.
Có thể thấy, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ tuy không lớn nhưng lợi ích mà nó đem lại cho các DN, cơ sở CNNT lại không hề nhỏ, nó đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với giá cả cạnh tranh, từ đó mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, từ năm 2021, nguồn vốn khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ các cơ sở làng nghề, sản phẩm OCOP và các cơ sở sản xuất sản phẩm sạch đầu tư máy móc, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất./.
Minh Vũ