Cách đây ít ngày, vào hôm 19/10, Diễn đàn đa phương MSF 2022 khai mạc tại Hà Nội với chủ đề: Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát. Diễn đàn đa phương MSF 2022 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Song xung đột trong lòng châu Âu giữa Nga và Ukraine lại đang tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước những diễn biến mới, Việt Nam cũng cần phải có những giải pháp linh hoạt để hiện thực hóa cơ hội nâng tầm vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giai đoạn hiện nay vừa là thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và khối DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Hiện nay, công nghiệp chế biến chế tạo đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể; Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã liên tục phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương khởi động dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 DN tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Hoạt động này nằm trong khung khổ Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh, được Samsung phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 DN áp dụng nhà máy thông minh trong 2 năm 2022 - 2023.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn đa phương MSF 2022
“Samsung hy vọng rằng, dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các DN có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung, mà cả mạng cung ứng toàn cầu”, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Từ năm 2015, Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 DN Việt. Sau đó, từ năm 2018, Samsung tiếp tục cùng Bộ Công Thương hỗ trợ đào tạo 406 chuyên gia về CNHT tại Việt Nam, đồng thời thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 - 2023.
Người đứng đầu Samsung Việt Nam cũng cho biết: Việt Nam đang có một số lợi thế lớn bao gồm nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, cùng với một nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Để phát triển hơn nữa những lợi thế này, Việt Nam cần tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành CNHT phát triển hơn nữa.
Hai năm qua, kinh tế thế giới chứng kiến những thách thức chưa từng có. Đại dịch Covid-19, các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang… đã tạo ra nhiều khó khăn cho DN sản xuất trên toàn cầu. Trong đó, mối lo ngại lớn nhất chính là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị và gián đoạn nguồn cung. Các thị trường truyền thống về chuỗi cung ứng như Trung Quốc ngày càng cho thấy nhiều biến động, rủi ro (với chính sách Zero Covid). Bởi vậy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng.
Trong giai đoạn tới, ngành CNHT của Việt Nam sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội khi đón được dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế tương đối lớn. Nhưng vừa hay, điều này lại đang đặt ra nhiều thách thức hơn đối với các DN trong nước về năng lực sản xuất, quản trị, chất lượng sản phẩm… Để có thể đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn, DN quốc tế lớn đặt ra, DN Việt Nam chắc chắn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều, cũng như có một lộ trình cải thiện năng lực rõ ràng.
Ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn MSF 2022
Tại Diễn đàn MSF 2022, Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: Việt Nam cần có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: DN, hiệp hội DN, các tổ chức quốc tế… Theo đó, các DN dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, việc lựa chọn 06 ngành ưu tiên phát triển tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT bao gồm: Dệt may, da giày, điện tử, ô tô, cơ khí và công nghệ cao đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc phát triển CNHT, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây chính là tín hiệu, cơ sở để thu hút, khuyến khích các DN FDI đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, tăng cường thúc đẩy các DN FDI đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Quang Vinh