Hiện nay, các chương trình đào tạo về kỹ thuật điều khiển, tự động hóa và cơ điện tử đang được triển khai ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ở nước ta. Nhưng thực tế cho thấy, tại nhiều đơn vị đang thiếu các phương tiện thực hành về rô-bốt do giá thành cao, khiến công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường đều có khoa đào tạo về rô-bốt, nhưng chủ yếu vẫn là học lý thuyết, sinh viên ít có điều kiện thực hành. Ngay cả một số trường có thực hiện đề tài liên quan đến rô-bốt thì các sản phẩm rô-bốt tự nghiên cứu cũng ít được sử dụng vào công tác giảng dạy. Chỉ có các trường đại học hàng đầu trong nước mới có rô-bốt thực hành, nhưng với số lượng hạn chế được nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời lại gặp vướng mắc trong quá trình ứng dụng, sửa chữa, tốn nhiều chi phí, thời gian và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Kỹ sư Lê Anh Kiệt, Giám đốc Công ty Robotics Việt Nam cho biết, thời sinh viên nhiều lần phải tiến hành thực tập trên những thiết bị cũ kỹ, hư hỏng, chỉ được học lý thuyết là chính. Có lần quay trở lại trường cũ, thấy phòng thí nghiệm vẫn đang sử dụng nhiều dụng cụ thực hành đã cũ, có thiết bị chỉ hỏng nhẹ nhưng không thể sử dụng được do không có phụ kiện thay thế. Nhất là có những rô-bốt được mua với giá hàng trăm triệu đồng, nhưng sau một thời gian sử dụng chỉ bị lỗi hệ thống điều khiển, mà cũng đành “đắp chiếu” do không có khả năng sửa chữa. Đây là lý do thôi thúc kỹ sư Lê Anh Kiệt mong muốn chế tạo được một loại rô-bốt tương tự, giá thành thấp, có đầy đủ chức năng với nhiều bài thực hành, giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn môn học. Nhất là rô-bốt này phải được cấu tạo từ nhiều phụ kiện có khả năng thay thế cao để phục vụ hiệu quả công tác bảo trì, sửa chữa trong quá trình sử dụng. Tuy ý tưởng đã có từ lâu, nhưng phải đến năm 2014, Công ty Robotics Việt Nam mới có thể triển khai được bằng việc thực hiện Dự án hoàn thiện công nghệ chế tạo rô-bốt phục vụ đào tạo. Đây là dự án nằm trong chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN). Chỉ sau hơn mười tháng triển khai dự án, công ty đã nghiên cứu và chế tạo thành công rô-bốt dạy học có tay máy năm bậc tự do, với thời gian hoạt động liên tục bốn giờ, độ chính xác lặp lại ± 1 cm. Rô-bốt được điều khiển bằng máy tính và điện thoại thông minh tương thích với hệ điều hành Android và iOS. Kỹ sư Lê Anh Kiệt cho biết, một tính năng nổi bật của rô-bốt “Made in Vietnam” này chính là hệ thống có tính mở, cho phép sinh viên có thể lập trình điều khiển mở rộng. Phần mềm mô phỏng rô-bốt với hình ảnh 3D, cho phép có thể chạy trực tuyến, đồng thời với rô-bốt thật. Sau khi lập trình mô phỏng xong, sinh viên có thể sao lưu tập tin điều khiển gắn vào rô-bốt để điều khiển lúc thích hợp. Điều này cho phép có nhiều sinh viên có thể cùng một thời điểm học lập trình rô-bốt mà không cần trang bị nhiều rô-bốt thật. Đánh giá từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa cho thấy, rô-bốt có khả năng kết nối vào dây chuyền sản xuất linh hoạt, các nghiên cứu, điều khiển có khả năng phát triển thành rô-bốt công nghiệp. Điểm mạnh của rô-bốt chính là chất lượng tương đương, nhưng giá thành rẻ hơn từ 40% đến 50% so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc. Sản phẩm rô-bốt đã được đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Trong quá trình thực hiện dự án, đã có nhiều đơn vị đến đặt mua sản phẩm như: Trường đại học Việt Đức, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh...
|
Nguồn Nhandan.com.vn