Thứ Sáu, 22/11/2024 11:50:39 GMT+7
Lượt xem: 1671

Tin đăng lúc 20-04-2020

Thương hiệu Việt và dấu ấn trách nhiệm cộng đồng

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, hình ảnh đất nước, con người và doanh nghiệp Việt Nam càng được khẳng định với trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Thương hiệu Việt và dấu ấn trách nhiệm cộng đồng
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, hình ảnh đất nước, con người và doanh nghiệp Việt Nam càng được khẳng định với trách nhiệm xã hội, cộng đồng

Nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 20/4 hàng năm là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” và giao cho Bộ Công Thương tổ chức lễ công bố các thương hiệu, sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia và ngày "Thương hiệu Việt Nam".

 

Năm nay Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình Thương hiệu Quốc gia giai đoạn mới (2020-2030). Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nên các hoạt động của ngày "Thương hiệu Việt Nam” cũng như lễ công bố các thương hiệu, sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã không được tổ chức.

 

Song, cũng chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, hình ảnh đất nước, con người và doanh nghiệp Việt Nam càng được khẳng định - với trách nhiệm xã hội, cộng đồng, tình người trong khó khăn, dịch bệnh đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới, quốc gia.

 

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, công cuộc chống dịch của ViệtNam đã làm khá tốt. Chính việc chống dịch tốt mà hình ảnh Việt Nam, con người Việt Nam, doanh nghiêp Việt Nam cũng đã được nâng lên cùng với hình ảnh của một đất nước đã có rất nhiều nỗ lực và khá thành công bước đầu trong chống dịch.

 

Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 đã kích thích thêm trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng, xã hội và phát triển bền vững.

 

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, mà còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cùng chia sẻ khó khăn với người dân, với nhà nước, được người dân, người tiêu dùng ghi nhận. Đó cũng là một cơ sở rất tốt cho sự hồi phục và phát triển sau dịch bệnh…

 

Rõ ràng là trong những ngày qua, chúng ta đã thấy một Việt Nam - mặc dù là một quốc gia cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, song, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, lo an sinh và sức khỏe cho người dân ở trong nước, đã chia sẻ từ những chiếc khẩu trang, nước sát khuẩn - những thiết bị y tế cần thiết trong phòng chống dịch bệnh cho nhiều quốc gia, bạn bè quốc tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

 

Những thương hiệu quốc gia như Vietnam Airlines đã thực hiện các nhiệm vụ chính trị đưa - đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước chống dịch, đưa công dân nước ngoài và hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

 

Hay các tập đoàn Viettel, VNPT, FPT hỗ trợ giảm giá cước viễn thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện cho khách hàng tiêu dùng và miễn, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở khám chữa bệnh vì dịch bệnh COVID-19,...

 

Đúng như TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nói, không phải chỉ có các tập đoàn, thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia, có giá trị lớn, mà những ngày qua, chúng ta thấy hình ảnh rất nhiều doanh nghiệp - Thương hiệu Việt khác như Vinamilk, Vingroup…, hay các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Hapro, Coop-mart… đã chung tay hỗ trợ bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, phục vụ người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.

 

Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử đã không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, nông sản thực phẩm giao dịch trên thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

 

Ông Hà Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Vina-link, Ủy viên BCH Hiệp Hội thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, VECOM - Hiệp hội thương mại điện tử đã tổ chức một loạt những hoạt động là hội chợ xuất khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp từ sàn, hỗ trợ cho tất cả những doanh nghiệp, địa phương đó có thể đưa sản phẩm lên sàn.

 

Nếu như năm 2019, hiệp hội TMĐT VECOM đã về đến tận tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng để hỗ trợ bà con nông dân, các hộ sản xuất có thể đưa được những sản phẩm lên trên sàn thương mại điện tử. Thì năm nay, VECOM cam kết sẽ làm việc nhiều hơn ở các tỉnh miền Bắc. Theo đó, tất cả các đặc sản địa phương cũng như các doanh nghiệp và có sản phẩm chưa lên sàn, sẽ được hỗ trợ kiến thức về nhân lực, về quy trình để đưa các sản phẩm mới lên sàn thương mại điện tử, qua đó có thể là có thể xuất khẩu.

 

Nói về sự chung tay, về hình ảnh và những hành động đẹp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã khẳng định: Có thể nói rằng dịch bệnh đang có ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các doanh nghiệp và thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam - dù là ở quy mô lớn, vừa hay là nhỏ.

 

Nhưng các doanh nghiệp đã thể hiện được tinh thần kiên cường, trụ vững, tích cực tái cấu trúc và chuẩn bị những nền tảng để phục hồi và phát triển sau đại dịch, mặc dù gặp khó khăn chồng chất trăm bề, kinh doanh thậm chí còn thua lỗ.

 

“Tôi biết là nhiều doanh nghiệp lớn thua lỗ nhiều, nhưng khi nghe lời kêu gọi của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tinh thần lá lành đùm lá rách, tương ái, tương thân, các doanh nghiệp - thương hiệu và đặc biệt là những doanh nghiệp và thương hiệu lớn vẫn là những mạnh thường quân, và vẫn là những tấm lòng vàng đóng góp nhiều nhất cho các quỹ an sinh xã hội” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, phát triển bền vững, lo việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết an sinh vẫn là hệ giá trị mà các doanh nghiệp và thương hiệu ở đang theo đuổi.

 

“Mong rằng những giá trị này sẽ lan tỏa trong cả cộng đồng, và xin được cảm ơn các doanh nghiệp và thương hiệu - đặc biệt là những doanh nghiệp và thương hiệu hàng đầu - đã làm rạng rỡ màu cờ sắc áo của Việt Nam, mang lại những dịch vụ, hàng hóa, chinh phục thị trường Việt Nam và thế giới, và xứng đáng là những tấm gương sáng tiêu biểu cho các thế hệ khởi nghiệp Việt Nam” – TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

 

Có thể khẳng định, những đóng góp của các doanh nghiệp, sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng và mỗi người dân đã cho thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, những nét đẹp của một quốc gia, dân tộc - và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, những nét đẹp đó càng được nhân lên, khẳng định hình ảnh và thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang