Điều này đồng nghĩa với việc 100% lô hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu...
Đối mặt với “thẻ đỏ”
“Chưa tính tới thiệt hại hàng hóa, “thẻ vàng” sẽ khiến tăng chi phí quá lớn, làm doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác cùng xuất khẩu vào EU”, ông Ngô Viết Hoài - Phó Tổng giám đốc Cty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét.
Nói đến quyết định kéo dài thẻ vàng tới năm 2019 của EU, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Oai cho biết có bốn lý do. Đó là việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước Đông Nam Á. Hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ nặng.
Ngay sau quyết định của EU, tại phiên họp Chính phủ đánh giá kinh tế 6 tháng đầu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tư lệnh ngành nông nghiệp và các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhằm sớm giải quyết vấn đề “thẻ vàng” của EU.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngay trong đầu tháng 7 sẽ họp công bố các biện pháp nhằm nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng với xuất khẩu thủy sản sang EU.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết tâm từ Chính phủ, bộ ngành là chưa đủ. Việt Nam đã có 6 tháng lần 1, tức từ tháng 10/2017, để cải thiện thẻ vàng tuy nhiên tạm thời đã “thất bại”. Thậm chí, chia sẻ với DĐDN, Chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam còn cho biết, vấn đề về IUU (tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) đã được cảnh báo từ cách đây 5-7 năm, nhưng Việt Nam vẫn để bị EU rút “thẻ vàng”. “Dù Việt Nam được gia hạn thêm 6 tháng, nhưng nguy cơ phải đối mặt với “thẻ đỏ” là khá cao” - ông Dũng nhận định.
Xây dựng nghề khai thác biển
Để xoay chuyển tình thế, đổi màu thẻ cho thuỷ sản, một yêu cầu tất yếu với Việt Nam là phải chuyển đổi từ một “nghề cá nhân dân” sang một nghề cá khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây luôn là bài toán khó của lĩnh vực thuỷ sản khai thác quy mô 133.000 tàu cá. Trong số này, chủ yếu là tàu nhỏ, chỉ có gần 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất 90CV trở lên.
Nhưng điều đáng nói chưa tới 10%, tương đương khoảng 3.000 tàu trong đó được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar, thiết bị giúp kiểm soát các tàu cá này có vi phạm vùng đánh bắt không.
Bên cạnh đó, việc chứng nhận hải sản khai thác còn nhiều bất cập. Các địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp khắc phục. “Từ tháng 10/2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực để gỡ thẻ vàng, nhưng các địa phương chưa "thực sự tích cực", Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai nhận định.
Do đó, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong hướng dẫn quản lý ngư dân khai thác hợp pháp trên vùng biển được cho phép là yếu tố tiên quyết. Cùng với đó, tìm giải pháp tập trung nuôi xa, tái cơ cấu lại việc làm của ngư dân trên bờ. “Chúng ta không thể chỉ ra khơi khai thác tài nguyên hải sản, mà chúng ta phải phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng một nghề khai thác biển hay nói rộng ra là nghề kinh tế biển đúng tiềm năng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Tổng cục Thủy sản cho biết, ngay trong đầu tháng 7 sẽ họp công bố các biện pháp nhằm nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng với xuất khẩu hải sản sang EU.
|
Theo Enternews