Hiện nay, trong các khu công nghiệp (KCN) ở các địa phương trên toàn tỉnh có khoảng 20 nhà máy sản xuất vi mạch, bo mạch điện tử, chủ yếu của các nhà đầu tư FDI đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu phát triển đúng hướng, bán dẫn có thể trở thành một động lực mới thúc đẩy lĩnh vực CN chế biến, chế tạo của tỉnh.
Công nghiệp bán dẫn hút nhà đầu tư
Tháng 5/2024, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Tập đoàn Tripob, Đài Loan) chính thức ký hợp đồng thuê đất tại KCN Sonadezi Châu Đức với diện tích 18ha. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Tại Châu Đức, Tripob triển khai xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372.000 m2, tương đương 1.800 tấn/năm. Dự án này sẽ tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao trên địa bàn.
Được biết, nhà máy của Tripob là dự án có quy mô, sử dụng công nghệ cao lớn nhất đầu tư vào KCN Sonadezi từ trước đến nay.
Cùng với đó, nhà máy của Công ty TNHH Novas EZ Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân B1 chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện như bo mạch, bảng mạch cho thiết bị điện tử và thiết bị y tế với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy lớn nhất trong lĩnh vực CN bán dẫn hiện nay trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Novas EZ đã có nhiều khách hàng lớn, các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Huyndai, i-SENS…
Ông Jang Jae Hyun, Tổng Giám đốc Novas EZ Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng lớn, dây chuyền sản xuất của nhà máy được tự động hóa bằng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, qua đó, sản xuất ra các thiết bị đạt chuẩn quốc tế”.
Giữa tháng 4/2024, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Công nghệ Điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Tập đoàn Công nghệ BOE, Trung Quốc) đã khởi công Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2.
Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam sẽ thực hiện lắp ráp và sản xuất tivi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy tính, linh kiện điện tử và cấu kiện nhựa (dùng trong sản xuất tivi và màn hình máy vi tính), với quy mô công suất 134,7 triệu sản phẩm/năm. Tổng vốn thực hiện dự án khoảng 275 triệu USD.
Được biết, Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn 2 khi đi vào hoạt động, giá trị sản lượng ước tính khoảng 01 tỷ USD/năm và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.
Sản xuất vi mạch, bo mạch tại nhà máy của Công ty TNHH Novas EZ Việt Nam (Hàn Quốc)
Đại diện Tập đoàn BOE cho biết, DN này được thành lập vào năm 1993, hiện nay, doanh nghiệp thiết lập cơ sở tiếp thị tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, với hoạt động kinh doanh phổ biến tại Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều quốc gia, khu vực khác. Tập đoàn BOE cũng đã đưa ra chiến lược phát triển "Internet of Things cho màn hình", cho phép màn hình tích hợp nhiều chức năng hơn, tạo ra nhiều hình thức hơn, với mục tiêu dẫn đầu trong việc đột phá ngành CN màn hình bán dẫn bằng mô hình đổi mới ứng dụng bối cảnh mới; đưa thị trường ngành CN màn hình hiển thị toàn cầu vào một không gian tăng trưởng rộng lớn hơn.
Xây dựng chính sách hút nhân lực ngành bán dẫn
Nhiều cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang mở ra với doanh nghiệp trong nước khi các tập đoàn lớn bắt đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và đầu tư mạnh hơn.
Nhằm mục tiêu thúc đẩy ngành CNHT trợ nói chung và ngành CN bán dẫn nói riêng phát triển, thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thu hút thêm những dự án của các “đại bàng” CN bán dẫn. Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư; đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ các DN sử dụng nguyên liệu đầu vào liên kết với các DN hạ nguồn…
Tuy nhiên, để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển ngành CN bán dẫn một cách mạnh mẽ, thu hút được các dự án quy mô lớn, đòi hỏi địa phương phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn lao động.
Trước thực trạng đó, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông đã ký ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ CN bán dẫn theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các giải pháp trọng tậm để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, gồm: Hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất...; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp; huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn nhanh chóng rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND tỉnh bố trí nguồn lực để hỗ trợ học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo học các lĩnh vực liên quan đến CN bán dẫn.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, cộng với cơ chế ưu đãi, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị các nguồn lực tốt nhất để đón các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư vào ngành CN bán dẫn của tỉnh trong thời gian tới.
Huyền My