“Ngày Vải thiều Việt Nam tại Úc” được tổ chức đồng thời tại 3 khu vực tập trung đông cộng đồng người Việt sinh sống là Cabramatta, Bankstown, và Marrickville, trong đó điểm xa nhất cách trung tâm Sydney khoảng 50km và thời gian sự kiện sẽ kéo dài đến hết ngày 4/7/2015
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ Lương Thanh Nghị, đông đảo bà con kiều bào, du học sinh cùng người tiêu dùng Úc đã đến các quầy hàng thưởng thức và mua ủng hộ trái vải tươi của Việt Nam.
Theo phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Úc, nhiều kiều bào không giấu được niềm tự hào, bồi hồi khi lần đầu tiên được thưởng thức một loại trái cây nhập khẩu từ chính quê hương mình ngay trên đất Úc bởi họ đều biết để một loại trái cây có thể xâm nhập thị trường này là không dễ. Đa số cho biết trái vải khi sang đến đây vẫn giữ được nguyên hương vị tươi ngon và rất ngọt, đồng thời bày tỏ hy vọng vào mùa vụ sau, trái vải thiều Việt Nam sẽ có mặt phổ biến hơn tại các cửa hàng, siêu thị ở Úc.
Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, không chỉ quảng bá cho trái vải thiều Việt Nam lần đầu tiên có mặt trên thị trường Úc, mà còn giúp khơi gợi lại lòng yêu nước của bà con kiều bào. Kể từ lô hàng đầu tiên gồm 3 tấn vải thiều đến Melbourne ngày 12/6 đến nay, tổng số đã có 40 tấn vải thiều được nhập khẩu vào Úc và tiêu thụ chủ yếu tại ba thành phố lớn là Sydney, Melbourne và Brisbane.
Theo khảo sát của Thương vụ, thị trường vải trái mùa tại Úc năm nay chỉ có vải của Việt Nam và Trung Quốc. Vải Việt Nam có giá cao hơn từ 3 đến 4 AUD. Tuy nhiên, vải Trung Quốc có vỏ màu xanh, hình thức kém hấp dẫn hơn vải Việt Nam và người tiêu dùng tại Úc có sự thận trọng nhất định với thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nên trái vải Việt Nam hiện có lợi thế tốt hơn. Vải Đài Loan vừa được cấp phép cùng thời điểm với Việt Nam, nhưng hiện chưa thấy có mặt trên thị trường.
Thị trường Úc là thị trường tiềm năng cho trái vải Việt Nam và trái cây nói chung của Việt Nam. Tuy nhiên, để trái cây Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này, các cơ quan chức năng phải đồng hành với doanh nghiệp và người trồng vải để nâng cao chất lượng, đáp ứng các qui định của kiểm dịch Úc và đặc biệt bài toán về chi phí cần phải tính toán lại để vải Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường Úc.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương