Thứ Sáu, 22/11/2024 09:23:52 GMT+7
Lượt xem: 1290

Tin đăng lúc 22-09-2023

Tỉnh Bắc Ninh: Phát triển CNHT tạo động lực để tỉnh sớm trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao

Bắc Ninh là tỉnh cửa ngõ của Hà Nội, có nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý, nối Thủ đô với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, đặc biệt là nằm trong vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cho nên có nhiều điều kiện để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế.
Tỉnh Bắc Ninh: Phát triển CNHT tạo động lực để tỉnh sớm trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao
Bắc Ninh thu hút nhiều DN đầu tư vào công nghệ cao (Ảnh: Công ty Cổ phần Hanpo Vina JSC (KCN Yên Phong II-C) một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung triển khai thực hiện

Những năm qua, với sự nỗ lực sáng tạo trong định hướng, chỉ đạo và điều hành của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, Bắc Ninh đã tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy cải cách hành chính, triển khai được nhiều cơ chế đặc thù nên đã thu hút được nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.

 

Nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh Bắc Ninh chính là đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) giai đoạn 2021-2025 với định hướng, Bắc Ninh sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với đối tượng sản phẩm và năng lực của DN, trên cơ sở các tiêu chuẩn, yêu cầu của tập đoàn đa quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho các DN, dự án trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu.

 

Theo đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể, bao gồm: Phát triển các lĩnh vực CNHT thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của tỉnh phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp (CN) của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền CN hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố CN công nghệ cao, thông minh; đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa DN trong nước và DN FDI, giữa các DN CNHT với DN lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển CN như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các DN FDI trên địa bàn.

 

Để thúc đẩy CNHT các ngành công nghệ cao theo định hướng đề ra, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tìm những giải pháp đột phá về thể chế, môi trường kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nền tảng hiện có; rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường cụm công nghiệp (CCN), làng nghề. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, ưu tiên, phân bố các dự án ở 3 ngành trọng điểm theo hướng mỗi KCN ít nhất có 2 - 3 dự án quy mô đầu tư vốn lớn, DN có thương hiệu cao để tạo sức lan tỏa và thu hút các DN vệ tinh. Trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chủ yếu thu hút đầu tư các dự án FDI; lĩnh vực chế biến nông sản, đồ uống, thực phẩm tập trung vào dự án vốn đầu tư trực tiếp trong nước. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, sẽ có khoảng 800 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá trị sản xuất CN của CNHT chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất CN ngành CN chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển CN trong lĩnh vực CNHT hàng năm tăng từ 8% - 9%. Trong đó, 70% DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất.

 

Tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng (KCN Tiên Sơn, B, Bắc Ninh)

 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN Việt Nam hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNHT thông qua Chương trình khuyến công, chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo tuyển dụng lao động, tuyên truyền nội dung cải tiến DN để tham gia hội nhập. Cử chuyên gia trợ giúp đánh giá DN để xác định nội dung cải tiến DN, trước hết là lấy các tiêu chuẩn của Samsung làm tiêu chuẩn cơ bản và hỗ trợ cho hoạt động cải tiến. Thành lập Hiệp hội CNHT tỉnh nhằm tăng cường liên kết, giới thiệu và kết nối các DN để hợp tác, trở thành nhà cung cấp sản phẩm CNHT. Giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp của tỉnh thực hiện theo Chương trình khuyến công hàng năm và thực hiện các chương trình kết nối DN…

 

Đến nay, CN tỉnh đã tạo sức bật cho phát triển kinh tế -xã hội với tốc độ cao, tỷ trọng CN chiếm 76,5%. Quy mô kinh tế tỉnh năm 2022 đạt gần 250.000 tỷ, đứng thứ 9 cả nước; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng khu vực CN, xây dựng chiếm 76,5%; dịch vụ chiếm 17,22%; nông nghiệp chiếm 2,53%).

 

Giá trị sản xuất CN của Bắc Ninh lớn nhất cả nước (năm 2022 là gần 1,35 triệu tỷ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức cao, đứng thứ 2 cả nước (năm 2021 đạt 83,2 tỷ USD, xuất siêu 6,6 tỷ USD; năm 2022 đạt 83,7 tỷ USD; xuất siêu 6,5 tỷ USD). Thu hút FDI tốt, hiện tổng vốn đầu tư FDI đạt 24,2 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước (năm 2022, PCI xếp 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh thứ 3/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh; chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 xếp thứ 7/63).

 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, trong những năm tới, chọn ngành CN gì, phát triển ra sao, tham gia vào phân khúc nào của thị trường trong nước cũng như khu vực vẫn là những vấn đề cần phải làm rõ. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh cần tạo đột phá phát triển CNHT một cách thiết thực, hiệu quả, có định hướng và phân công theo quy hoạch vùng; xác định các bước đi và tiếp cận công nghệ hợp lý cho từng ngành; khuyến khích và giúp đỡ DN Việt Nam tham gia phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả,…

 

Ông Nam cho biết thêm, để thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh về phát triển CNHT, ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) về Chương trình hỗ trợ DN Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra hàng năm tăng tỉ lệ đóng góp của các DN Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất CN do Samsung tạo ra. Để thực hiện mục tiêu này, Samsung sẽ hỗ trợ DN Việt đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Bắc Ninh cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng và ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh cho Samsung.

 

Đến nay, CHHT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực với khoảng trên 500 DN CNHT tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử và cơ khí, chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành CN của tỉnh.

 

Được biết, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Sở Công Thương Bắc Ninh được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng quy hoạch ngành CN, thương mại, điện lực. Dự thảo quy hoạch tập trung ưu tiên thu hút vào các ngành CN theo hướng công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường như: Điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, thiết bị y tế; CNHT; Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng CN 4.0. Dự thảo đang được các cấp, ngành thẩm định. Qua đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên và tạo điều kiện tối đa đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT; tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung quản lý, các giải pháp, chương trình, đề án hỗ trợ các DN như: Chương trình hỗ trợ phát triển CNHT; chương trình hỗ trợ cải tiến DN, chương trình phát triển nhà máy thông minh…, nhằm từng bước đưa CNHT của tỉnh phát triển.

 

Hy vọng, với tiềm năng, lợi thế và định hướng chiến lược đã được thể hiện trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch về phát triển CN nói chung, CNHT nói riêng, Bắc Ninh sẽ phấn đấu phát triển toàn diện, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại trong giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2030, xây dựng tỉnh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.

 

Minh Hiếu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang