Sáng 29/9, Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp từ ngày 30/9 đến ngày 7/10.
Về quan hệ Việt Nam - Mông Cổ: Năm 2024 hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hữu nghị, truyền thống hai nước dựa trên tinh thần hiểu biết, hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn đã không ngừng phát triển trong suốt 70 năm qua.
Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng phát triển tích cực, hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và đặt ưu tiên trong phát triển quan hệ. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2023 của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân.
Kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 2,3 lần trong thời gian qua từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023.
Về quan hệ Việt Nam - Ireland: Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1996. Ireland coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và người dân Ireland có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam.
Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư Việt Nam và Ireland thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 3,5 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ireland đạt hơn 340 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2,1 tỷ USD.
Việt Nam là một trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ireland.
Giáo dục-đào tạo có vị trí quan trọng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương. Là nước nói tiếng Anh duy nhất trong EU, Ireland có lợi thế lớn trong thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam.
Về quan hệ Việt Nam - Pháp: Năm 2023 hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm ngày nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược.
Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở thành những đối tác đồng hành và tin cậy của nhau, chia sẻ nhiều định hướng phát triển và hợp tác.
Kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt gần 3,2 tỷ USD. Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.
Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.
Về Hội nghị cấp cao Pháp ngữ: Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, cộng đồng Pháp ngữ đã từng bước chuyển mình, trở thành một không gian chính trị - kinh tế - văn hóa đa dạng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Ðến nay, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã trở thành mái nhà chung của 88 thành viên và quan sát viên, hiện diện tại 5 châu lục.
Quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng trong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.
Theo Vietnamnet.vn