Năm 1976 rời nơi sơ tán Ấp Dâu, Hiến Nam, Công ty được chuyển về đường Trưng Trắc, Minh Khai, Thị xã Hưng Yên để xây dựng cơ sở mới. Tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống cho công nhân trong điều kiện thiết bị, công nghệ lạc hậu; cơ chế quản lý của Nhà nước đang trong giai đoạn tìm ra hướng đi phù hợp. Đời sống người lao động cực kỳ khó khăn: Nhà tập thể được xây dựng bằng tranh tre, vách đất nên thường xuyên xảy ra hỏa hoạn; Tiền lương người công nhân không đủ sống, nhưng Công ty vẫn duy trì sản xuất, mạnh dạn cùng các doanh nghiệp dệt may tham gia sản xuất hàng gia công cho Liên Xô, thông qua Hiệp định 19/5, để đổi lấy hàng hóa về cải thiện đời sống cho người lao động. Khó khăn, nhưng Công ty vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch, dành dụm vốn, xây trường mầm non để nuôi dạy con công nhân. Trong muôn vàn khó khăn đó, cán bộ, công nhân May Hưng Yên duy trì sản xuất, ổn định đời sống, vẫn một lòng kiên trung đi theo Đảng, tin vào sự nghiệp đổi mới, vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Từ năm 1990, trước chính sách đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng, mặc dù phải đối mặt với sự khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô làm mất thị trường xuất khẩu hàng may mặc, song với tinh thần cách mạng tiến công, “Tự cứu mình trước khi trời cứu” như lời đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã nói, nên Công ty May Hưng Yên bằng sự nỗ lực của mình, tự bứt phá mở thêm cơ sở sản xuất ở trục Quốc lộ 5 thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, tiếp cận nhanh với khách hàng, mở rộng thị trường vào Tây Âu và Nhật Bản. Cùng với sự giúp đỡ của bạn bè trong và ngoài nước, trong 10 năm đó, Công ty đã vượt qua khó khăn, củng cố sản xuất và còn mở thêm 2 nhà máy mới, nâng giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên 2,5 lần, tạo thêm việc làm cho gần 3.000 lao động. Mức thu nhập của người lao động đã đi vào ổn định và phát triển.
10 năm của thời kỳ chuyển đổi và tăng tốc, Công ty mở rộng sản xuất tại Hưng Yên và cùng tham gia xây dựng thêm 4 nhà máy, nâng giá doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho gần 5.000 lao động, đưa số lao động trong toàn hệ thống lên trên 10.000 người. Số lượng đã tăng nhanh, nhưng song hành đó là chất lượng cũng phát triển. Trong thời kỳ này, Công ty liên tục cải tiến phương thức quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ; Chuyển đổi toàn bộ số đơn vị thành viên thành các công ty cổ phần. Đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc đổi mới thiết bị và cải tạo nhà xưởng; áp dụng hàng ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào quản lý vào sản xuất; Nâng cao năng suất lao động gấp 3 lần; Nâng cao thu nhập cho người lao động gấp 6 lần.
Từ tháng 7 năm 2011, Công ty CP May Hưng yên chính thức chuyển đổi thành Tổng công ty May Hưng Yên. 5 năm qua, phát huy truyền thống, đúc rút kinh nghiệm, áp dụng tối đa khoa học tiến bộ, công nghệ tiến tiến vào sản xuất; tiếp tục đào tạo chọn lọc nguồn nhân lực để sẵn sàng có đội ngũ kế cận nhận nhiệm vụ khi mở rộng sản xuất.
Tổng giám đốc TCT May Hưng Yên dự Đại hội cổ đông thường niên năm 2015
Với kinh nghiệm tích lũy trong việc mở rộng sản xuất, với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời để thực hiện nhiệm vụ trước Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Tổng công ty tiếp tục xây dựng thêm 4 nhà máy mới, với Tổng vốn đầu tư 122 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 2.000 lao động, đưa tổng số lao động trong toàn hệ thống lên 13.000 người. Đồng thời, với việc phát triển sản xuất ở các công ty đã đầu tư trong giai đoạn trước, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong toàn Tổng công ty. Tính đến cuối 2015, Tổng vốn chủ sở hữu của các công ty trong toàn hệ thống đã tăng lên trên 600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt mức 300 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng cao mức thu nhập bình quân cho người lao động đạt gần 8 triệu đồng/người/tháng (năm 2015), năm 2016 phấn đấu đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng khu phòng học cao cấp tại trường mầm non, nhà mẫu giáo nuôi dạy con công nhân. Hiện nay Nhà trường đã nhận và chăm sóc hơn 400 cháu.
Phát huy truyền thống đạt được 5 năm từ 2011 - 2016, Tổng công ty tiếp tục nhận được cờ thi đua của Chính phủ và cờ thi đua của Tổng Liên đoàn LĐVN. Hai năm liên tục (2014 – 2015) Công ty được bình chọn là Doanh nghiệp Vì người lao động.
Ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của CBCNV, Tỉnh ủy Hưng Yên đã tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2015 cho Đảng bộ Tổng công ty. Đảng bộ Tổng công ty luôn giữ vững truyền thống là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, bởi có thành tích tiêu biểu trong 22 năm liên tục, với số Đảng viên của Đảng bộ Tổng công ty hiện nay là 209.
Định hướng phát triển những năm tiếp theo, Tổng Công ty xác định định: Căn cứ định hướng phát triển của ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020, Tổng công ty May Hưng Yên sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, duy trì và phát triển các công ty thành viên theo hướng bền vững, đồng thời mỗi năm tăng thêm từ 5-15 chuyền sản xuất, đến năm 2020, nâng số lao động của các công ty trong toàn hệ thống lên mức trên 15.000 lao động. Thu nhập bình quân tăng 10%/năm. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng lộ trình và phương án sản xuất theo hướng FOB, ODM và chuẩn bị các điều kiện tham gia TPP thông qua việc đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị.
50 năm một chặng đường đầy gian khó, nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào, Tổng công ty May Hưng Yên càng khẳng định doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một đơn vị SXKD, mà còn là điểm sáng trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Được xây dựng bằng tình cảm và trách nhiệm với cộng đồng xã hội của hơn 13.000 CBCNV trong Tổng công ty, đậm tính nhân văn cao đẹp với truyền thống nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Tổng công ty rất vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thăm và động viên, đã tạo thêm sức mạnh, niềm tin cho Công ty vững bước tiến lên trong tiến trình hội nhập quốc tế và thúc đẩy CNH – HĐH.
Hải Lân