Dây chuyền cắt tôn tự động CNC phục vụ chế tạo máy biến áp
Những khó khăn thách thức khi thành lập Tổng công ty
Nói khó khăn, sóng gió đối với các doanh nghiệp là bởi những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, lạm phát. Hàng loạt các công trình lưới điện bị giãn thi công; giá cả các loại vật tư trong nước và nhập khẩu tăng mạnh và nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thiếu trầm trọng, trong khi nguồn vốn vay ngân hàng không đáp ứng đủ theo nhu cầu. Đặc biệt, từ tháng 3/2013, Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh hoạt động theo mô hình Tổng công ty với số vốn Nhà nước chiếm giữ 46,2% nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu những dự án có nguồn tín dụng vay nước ngoài, do doanh nghiệp Nhà nước không được tham gia đấu thầu, hoặc thường bị trượt thầu dù giá chào thầu thấp hơn nhiều so với các nhà thầu khác. Đấy là chưa kể khi nâng cấp thành lập Tổng công ty, thì tổ chức bộ máy, nhân sự cơ quan Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên phải kiện toàn, sắp xếp lại, không tránh được sự xáo trộn và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
Ổn định tổ chức và tìm giải pháp để hoạt động hiệu quả
Với sự giúp đỡ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban lãnh đạo Tổng công ty đã chủ động xây dựng các phương án về mô hình tổ chức, sắp xếp lại bộ máy nhân sự từ Tổng công ty tới các đơn vị thành viên, thành lập các Chi nhánh, trong đó, tiến hành đại hội cổ đông; kiện toàn, bổ sung Hội đồng Quản trị, bổ nhiệm các chức danh chủ chốt trong Ban lãnh đạo; bầu lại Ban Kiểm soát, phân loại cơ cấu thành phần cổ đông… Đồng thời, thực hiện hàng loạt các giải pháp, trong đó tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ, cải tiến thiết kế; quy hoạch, tôn tạo lại mặt bằng sản xuất, nhà điều hành; tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát tại các địa phương, bám sát các chủ đầu tư, dự án để nắm bắt nhu cầu sử dụng thiết bị điện, chú trọng những sản phẩm chính do Tổng công ty sản xuất như máy biến áp phân phối, cáp nhôm, tủ điện; chuẩn bị các phương án mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất và dự phòng; tăng cường công tác quản lý, phân cấp, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, tránh hao hụt, lãng phí. Đặc biệt là triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 66 tỷ đồng lên 94,8 tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thêm dòng vốn thực hiện các dự án, phục vụ sản xuất kinh doanh phát triển.
Với những giải pháp đồng bộ trên, năm 2013, Tổng công ty đã thực hiện được nhiều hợp đồng có giá trị kinh tế cao, trong đó cung cấp cho thị trường trong nước 641 máy biến áp (MBA) các loại (gồm 35 MBA từ 110 – 500 kV và 606 MBA phân phối); gần 1000 tấn cáp nhôm, cáp thép, dây đồng; hàng ngàn thiết bị điện như tủ điện, biến dòng, biến điện, cầu dao, cầu chì tự rơi các loại… Trong đó, MBA 500 kV do EEMC chế tạo được lắp đặt tại Trạm Vũng Áng có giá trị 118 tỷ đồng.
Định hướng phát triển giai đoạn 2014-2020
Năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất vẫn được dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức, do cơ chế chính sách của Nhà nước chưa được xem xét điều chỉnh đồng bộ, nên việc tham gia các dự án phát triển điện đối với doanh nghiệp Nhà nước như EEMC là rất khó khả thi do khả năng trúng thầu thấp. Vì vậy, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã điều chỉnh kế hoạch, với mục tiêu thực hiện giá trị tổng doanh thu là 1.010.686.800 tỷ đồng; sản xuất 537 MBA các loại, trong đó có 37 MBA từ 110 – 500 kV còn lại là MBA trung gian và phân phối; lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng công ty cũng đã chỉ đạo triển khai việc quy hoạch, hoàn thiện dây chuyền chế tạo MBA truyền tải để trong hai năm 2014-2015 có khả năng sản xuất hàng loạt MBA 500 kV công suất đến 900 MVA; chú trọng nâng cao chất lượng thiết bị, ổn định giá thành sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường không chỉ trong nước mà vươn mạnh tới các quốc gia trong khu vực. Theo ông Trần Văn Quang – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty, để thực hiện “Chiến lược phát triển cơ khí điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2020”, với sự ủng hộ, giúp đỡ của EVN, EEMC sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, nhanh chóng hiện đại và chuyên môn hóa dây chuyền thiết bị, công nghệ, phục vụ cho thiết kế và chế tạo thử nghiệm sản phẩm, tiến tới sản xuất đồng bộ, phát triển nhiều sản phẩm mới, được các tổ chức, cơ quan khoa học nước ngoài kiểm định đánh giá chất lượng, bảo đảm uy tín và thương hiệu của EEMC. Tổng công ty cũng đề ra một số nhiệm vụ có tính chiến lược như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gửi cán bộ kỹ thuật vào các trường chuyên ngành trong nước, các hang sản xuất nổi tiếng ngoài nước để đào tạo lại; thực hiện liên kết, hoặc ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm chế tạo những sản phẩm chất lượng cao mà trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời, nghiên cứu và phát triển sản xuất các thiết bị điện thay thế cho những sản phẩm mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, để ngành Cơ khí Điện lực nói chung phát triển, trụ vững trong giai đoạn thị trường còn nhiều biến động như hiện nay, thì sự nỗ lực chủ quan vượt qua khó khăn, thách thức của doanh nghiệp là chưa đủ, đặc biệt đối với doanh nghiệp chế tạo các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh thì Nhà nước cần có cơ chế đặc thù. Cụ thể, Nhà nước cần hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư, phát triển sản phẩm mới; Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý, hàng rào kỹ thuật đối với nhà thầu nước ngoài cung cấp các thiết bị máy móc cho lưới điện Việt Nam, không để tình trạng thiết bị giá rẻ, kém chất lượng được lắp đặt tại các dự án, làm lũng đoạn thị trường thiết bị điện, gây chậm tiến độ và chất lượng công trình không đảm bảo. Đặc biệt, ngành Điện lực cần quan tâm, hỗ trợ Tổng công ty khi tham gia các gói thầu dự án lưới điện có vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài như ADB, WB, KFW…
Một năm sau ngày hoạt động theo mô hình mới, có thể thấy, tập thể lãnh đạo Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã đóng vai trò quan trọng, bởi trước những áp lực của thị trường, đã không rơi vào thế bị động, mà còn chủ động chỉ đạo điều hành, giữ vững nhịp độ sản xuất; uy tín, thương hiệu EEMC ngày càng được khẳng định; có sự tăng trưởng cao về giá trị tổng doanh thu; đời sống của người lao động được đảm bảo. Với những giải pháp quan trọng, chuẩn bị cho các mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ cụ thể trong nhiều năm tới, chắn chắn Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh sẽ thể hiện được bản lính của Đơn vị Anh hung Lao động, xứng đáng là doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện hàng đầu Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Mai Hương