Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này được Chính phủ giao chủ trì đón tiếp ông Roberto Azevêdo - Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần đầu tiên thăm chính thức và làm việc tại Việt Nam trong thời gian từ ngày 14 – 15/4.
Trong thời gian ở tại Việt Nam, theo lịch trình, ông Roberto Azevêdo có một số hoạt động như: tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, làm việc với Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; tham dự buổi tọa đàm với giới doanh nghiệp do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đồng chủ trì tại VCCI…
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Chuyển biến đó tạo nên sự hấp dẫn đối với nhiều nhà lãnh đạo, giới kinh doanh và nhiều nhà nghiên cứu về đất nước, con người và thể chế của Việt Nam.
Với chuyến thăm lần này, ông Roberto Azevêdo cho thấy sự quan tâm của WTO về những dự án của Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - thương mại và mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Roberto Azevêdo cũng mong muốn tăng cường đối thoại giữa WTO và Việt Nam. Ông sẽ có các cuộc trao đổi với lãnh đạo Chính phủ, đại diện một số Bộ ngành kinh tế và giới doanh nghiệp để xem xét các khả năng WTO có thể hỗ trợ Việt Nam.
Từ khi đảm nhận cương vị Tổng giám đốc WTO, Đại sứ Azevêdo đã chỉ đạo tổ chức thành công hai Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali năm 2013 và Nairobi năm 2015 với những kết quả quan trọng đối với hệ thống thương mại đa phương.
Gói kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Bali năm 2013 bao gồm các quyết định về vấn đề nông nghiệp, vấn đề hỗ trợ cho các nước kém phát triển và Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (TF).
Gói kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Nairobi năm 2015 bao gồm những quyết định hỗ trợ các nước kém phát triển hội nhập vào nền kinh tế thế giới, một số các biện pháp cụ thể về vấn đề bông, các quyết định về nông nghiệp liên quan đến cơ chế tự vệ đặc biệt cho các nước xuất khẩu nông nghiệp, vấn đề dự trữ công vì mục tiêu an ninh lương thực và cạnh tranh xuất khẩu.
Trong đó, cạnh tranh xuất khẩu bao gồm xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, là một cải cách quan trọng nhất đối với thương mại nông nghiệp kể từ khi thành lập WTO năm 1995. Hội nghị tại Nairobi cũng ghi nhận việc kết thúc đàm phán của Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng (ITA), xóa bỏ thuế quan đối với nhiều hàng hóa trong lĩnh vực này.../.
Theo PV/VOV