Thứ Năm, 21/11/2024 23:27:35 GMT+7
Lượt xem: 1410

Tin đăng lúc 24-09-2023

TP.HCM: Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên phát triển

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, do vậy, trong những năm tới đây, TP.HCM xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển.
TP.HCM: Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên phát triển
Các doanh nghiệp CNHT cần được tạo thêm cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong thời gian qua, ngành Công nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM (chiếm khoảng 18% GRDP). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành Công nghiệp TP HCM đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu (Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Hóa dược - Cao su nhựa và Chế biến lương thực - thực phẩm) tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.

 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết: “Trong thời gian qua, công nghiệp Thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế (chiếm khoảng 18% GRDP). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành Công nghiệp TPHCM đã chuyển dịch đúng hướng, trong đó, ngành CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành Công nghiệp. Thành phố đã và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu”.  

 

Chính bởi vậy, TP.HCM đã xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Từ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đến nay, Thành ủy và UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển CNHT như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT Thành phố; thành lập Trung tâm Phát triển CNHT Thành phố trực thuộc Sở Công Thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm CNHT; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp (DN). Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển CNHT, cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

TP.HCM xác định phát triển CNHT là ưu tiên lớn

 

Sở Công Thương Thành phố cho biết, trong năm qua, các Hội đồng phát triển ngành công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò đồng hành với DN, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; tham mưu cho Thành phố ban hành chương trình kích cầu đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm (ngành Cơ khí - Tự động hóa, Cao su - Nhựa, Chế biến lương thực - thực phẩm), triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và liên kết vùng nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm.

 

UBND Thành phố đã thông qua việc triển khai Kế hoạch số 2888 về thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2023. Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện, gồm: Hỗ trợ DN CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN CNHT, xây dựng và vận hành Cổng thông tin CNHT.

 

Sở Công Thương Thành phố cũng đang triển khai chương trình nâng cao trình độ, năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho DN CNHT song song với hoạt động kết nối, hỗ trợ DN bổ sung nguồn lực, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giải pháp hỗ trợ vốn, kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT giai đoạn này cũng hết sức cần thiết.

 

Dù vậy, thực tế cho thấy, bài toán phát triển CNHT của TP.HCM vẫn còn đặt ra rất nhiều thách thức lớn. Các DN CNHT của Thành phố hầu như vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu. Quá trình phát triển CNHT của Thành phố đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực.

 

Trong khi đó, các khu, cụm công nghiệp của TP.HCM đang phát triển theo hướng đa ngành, còn thiếu khu, cụm công nghiệp phát triển CNHT công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Để sản xuất ra sản phẩm đầu cuối cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân bố ở nhiều không gian khác nhau theo lợi thế so sánh của mỗi địa phương.

 

Trong thời gian tới, để ngành CNHT Thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng, từng bước tự chủ được nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Thành phố cần tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế trong phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.

 

Song song đó, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp. Mặt khác, TP.HCM cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch cho các DN trong và ngoài nước.

 

Trong báo cáo kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ “Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành Cơ khí - Tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030” do UBND TP.HCM công bố mới đây, lãnh đạo Thành phố cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố để phục vụ phát triển các ngành CNHT ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của DN, trong đó có DN ngành Cơ khí - Tự động hóa.

Với những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Thành phố cùng sự quyết tâm của cộng đồng DN CNHT trên địa bàn, ngành CNHT của TP.HCM được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng, góp phần tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành Công nghiệp, đồng thời, góp phần tiếp thêm động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ. 

 

Thế Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang