Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình ngộc độc thực phẩm trong trường học tại TP. Hồ Chí Minh gần đây có xu hướng tăng và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, thành phố đã xảy ra 3 vụ ngộc độc thực phẩm tại trường học. Nguyên nhân do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (chiếm 52%); do sử dụng các thực phẩm không an toàn chiếm 24% số vụ ngộ độc thực phẩm…
Trước thực trạng này, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay các sản phẩm an toàn đã được công bố chất lượng rộng rãi trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn một số thực phẩm an toàn chưa kết nối với người tiêu thụ. Nơi tiêu thụ, phân phối các thực phẩm an toàn hiện nay đa số là hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích còn các kênh như chợ, bếp ăn, trường học chiếm tỷ lệ khá thấp. Do đó, Sở NN&PTNT muốn thông qua hội nghị này để kết nối các đơn vị sản xuất nông nghiệp an toàn, đạt chuẩn với các trường học có bếp ăn bán trú trên địa bàn.
Khẳng định sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau, củ đạt chất lượng, ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phước An cho biết, hiện các sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP và được đưa vào chuỗi thực phẩm an toàn, tham gia vào hàng bình ổn thị trường song chưa kết nối được với các bếp ăn trường học. Theo ông Thích, nếu có sự kết nối giữa doanh nghiệp với nhà trường, phụ huynh và thầy cô có thể yên tâm vì doanh nghiệp sẽ cam kết đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình.
Theo đại diện Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, để đáp ứng nhu cầu có khẩu phần ăn ở trường học đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh, công ty đã xây dựng quy trình kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào cho đến khi ra các khẩu phần ăn. Theo đó, nguyên liệu rau củ quả được thu mua từ các HTX VietGAP và cá thịt thu mua từ các công ty uy tín cam kết không có kháng sinh cấm, không chất cấm…
Thông tin các điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, ông Bùi Văn My, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp nhấn mạnh, các thầy cô có thể tìm tới 401 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn đã được thành phố công bố như: Co.opmart, Satramart, Co.op Xtra, Big C, Aeon, Vissan... Ngoài ra, thành phố đã cấp 76 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn cho 46 cơ sở với tổng sản lượng hàng hóa cung ứng là 37.969 tấn/năm. Tại các điểm này, thầy cô ở các trường có thể an tâm tìm mua sản phẩm an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh của mình.
Theo Báo Công Thương điện tử