Các làng nghề ở xã Hưng Mỹ (huyện Châu Thành) từ lâu đã nổi tiếng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng như: Thảm, chiếu, giỏ mỹ nghệ, dây nhựa màu, dây lục bình… Đây đều là những nghề truyền thống thu hút nhiều lao động nông thôn, tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, tận dụng được nguồn nhân lực dư thừa.
Hàng năm, xã Hưng Mỹ phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh mở các lớp dạy nghề nghề đan lát, tạo ra cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, làng nghề truyền thống như ở Hưng Mỹ không phải là duy nhất. Ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2018, toàn tỉnh có 2.065 hộ sản xuất, 83 cơ sở, doanh nghiệp, 115 tổ hợp tác và 5 hợp tác xã. Khu vực làng nghề này đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hơn 622 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 9.953 lao động với thu nhập bình quân 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Nông dân thu hoạch cói nguyên liệu phục vụ đan lát.
Sự hỗ trợ của các hoạt động khuyến công đã tạo ra bộ mặt mới cho làng nghề truyền thống ở Trà Vinh. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có rất nhiều hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại như: Mở 07 lớp truyền nghề cho 200 học viên chủ yếu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức một chuyến đi học tập kinh nghiệm về máy móc thiết bị trong sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre và TP.HCM, tạo cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề tiếp xúc với nhiều mô hình kinh doanh, dây chuyền sản xuất mới của tỉnh bạn…
Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi đã triển khai đồng bộ chính sách khuyến công trên địa bàn, hỗ trợ 79 đề án trong giai đoạn 2010 - 2018 với kinh phí là 6,8 tỷ đồng, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề có bước tăng trưởng khá như đan nhựa giả mây, tre đan, dệt chiếu lác, chế biến nông sản, đồ mỹ nghệ, bàn ghế tre, vật liệu xây dựng…”.
Trà Vinh cũng tập trung hỗ trợ các làng nghề, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển các sản phẩm đặc thù mang nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương như: thảm dán từ đay, bộ đồ dùng nông thôn làm từ tre trúc, sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ, các loại tôm cá khô, bánh tét Trà Cuôn…
Đến nay, 3 làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở huyện Trà Cú đã thu hút trên 3.200 lao động, sản xuất mỗi năm trên 50.000 đôi chiếu lác, hơn 30.000 sản phẩm bàn, ghế, giường, thang tre các loại và gần 500.000 sản phẩm đồ dùng sinh hoạt gia đình thu nhỏ dùng làm đồ trang trí phục vụ khách du lịch, như: ky, thúng, nia, hom... làm từ tre, trúc.
Được biết, năm 2018, Trà Vinh đã hỗ trợ chi phí đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất cho 41 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng số vốn 17,8 tỷ đồng. Trong đó kinh phí khuyến công là 2,8 tỷ đồng, vốn đối ứng là 15 tỷ đồng. |
Minh Phương