Thành công từ trái cam sành
Là loại trái cây có tiếng của tỉnh Tuyên Quang, cây cam sành Hàm Yên bắt đầu được trồng đại trà ở Tuyên Quang khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước và trở thành cây làm giàu của người dân nơi đây. Mặc dù cam Hàm Yên được nhiều người biết đến, nhưng Tuyên Quang có chủ trương không phát triển “nóng” về diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Ngay từ khâu sản xuất, người dân đã được khuyến khích đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch. Đến nay, toàn tỉnh có trên 74ha được cấp chứng chỉ VietGAP.
Ngoài việc đầu tư cho đầu vào, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên mang sản phẩm cam sành đi quảng bá tại các chương trình kết nối cung - cầu sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng, lại sản xuất theo hướng an toàn, được quảng bá rộng rãi, nên cam sành Hàm Yên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2013, cam Hàm Yên được bình chọn trở thành 1 trong 50 loại quả ngon nhất Việt Nam, Top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu một cách bài bản nên những vụ cam gần đây, sản phẩm cam sành luôn được tiêu thụ với sản lượng tương đối tốt. Vụ cam 2016-2017, năng suất cam sành Tuyên Quang đã tăng trên 13% so với vụ trước, thị trường tiêu thụ không chỉ tại miền Bắc và miền Trung mà hơn 50% sản lượng đã được thu hoạch sớm để phục vụ thị trường mới là miền Nam. Với việc có mặt tại khắp mọi miền đất nước, nỗi lo “được mua mất giá” đã phần nào giải tỏa đối với sản phẩm này.
Không dừng lại ở đó, tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục định hướng phát triển trái cam sành theo hướng bền vững với mục tiêu quy hoạch bổ sung trên 3.900ha để hình thành vùng sản xuất cam sành có quy mô diện tích trên 6.800ha. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020, 100% diện tích cam ở Tuyên Quang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Tuyên Quang
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, toàn tỉnh có 28 sản phẩm nông sản được đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, có 13 sản phẩm là nhãn hiệu tập thể, 1 sản phẩm chỉ dẫn địa lý (chủ yếu giao cho các hợp tác xã xây dựng và quản lý), còn lại là nhãn hiệu chứng nhận. Tuy vậy, con số này chưa tương xứng với các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trên thực tế, không ít sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, khiến sức tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, giá trị của thương hiệu chưa cao như: Mắm cá Cổ Linh, rượu chuối Kim Bình… Nguyên nhân bởi công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đối với một số sản phẩm còn ít, nên tại các thị trường lớn như Hà Nội không nhiều người biết đến sản phẩm này.
Để hỗ trợ các hợp tác xã và hộ dân xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh để đưa những sản phẩm có thương hiệu của tỉnh đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, khuyến khích các hộ dân chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa vùng chuyên canh; đổi mới công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm.
Bài học thành công từ trái cam sành đã và đang mở ra hướng phát triển bền vững cho hàng loạt các loại nông sản có tiếng khác của Tuyên Quang như: Bưởi Xuân Vân, chè Bát Tiên Mỹ Bằng, gạo chất lượng cao Kim Phú… |
Nguồn Báo Công Thương