Hiện nay, cả nước có 5.499 làng nghề và làng có nghề, với khoảng hơn 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó, rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, đã giúp các các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được quan tâm gìn giữ và phát triển. Sản phẩm của các làng nghề đã đa dạng hơn về mẫu mã, chủng loại, cùng với đó, các làng nghề cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp liên kết, liên doanh, tham quan, khảo sát, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để vươn lên, nhờ vậy, các sản phẩm của làng nghề không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi nhiều, do vậy, các làng nghề muốn tồn tại và phát triển, ngoài việc tiếp tục nỗ lực phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường thì cũng phải quan tâm hơn đến việc hiện đại hóa công nghệ thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Làng nghề tre, nứa dồn tại xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã phát triển từ lâu đời, gắn với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của huyện như: mâm nứa dồn sơn mài, bình hoa, lục bình… với kỹ thuật sản xuất nứa dồn thủ công, mẫu mã đặc sắc, tính năng sử dụng tiện lợi. Đặc biệt, sản phẩm mâm nứa dồn sơn mài là một sản phẩm đặc trưng, dùng để thờ cúng tại các hộ gia đình, tại các đền, chùa, miếu, đình… Các sản phẩm của làng nghề được sản xuất hoàn toàn thủ công, rất bền đẹp, đặc biệt đặc sắc, gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng trong nước và quốc tế.
Mô hình tổ chức sản xuất của làng nghề tre, nứa dồn Đỗ Xuyên hiện nay được phát triển theo mô hình tổ chức liên kết sản xuất giữa Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Hộ gia đình. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò đơn vị tổ chức xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm và kết nối thị trường; đầu tư nguồn vốn về nguyên liệu đầu vào; ký hợp đồng với HTX về số lượng, quy cách sản phẩm; hoàn thiện sản phẩm cuối cùng và thương mại sản phẩm ra thị trường. HTX đóng vai trò tổ chức sơ chế nguyên liệu chung, đặt hàng sản phẩm đối với các thành viên, điều phối sản xuất trên cơ sở sử dụng trang thiết bị máy móc theo nhóm sản xuất; kiểm soát chất lượng và thu gom sản phẩm theo hợp đồng với doanh nghiệp; quản lý NHTT Đỗ Xuyên và thúc đẩy hoạt động giới thiệu làng nghề. Hộ thành viên HTX tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của HTX và Hộ gia đình không phải thành viên HTX ký hợp đồng với HTX để sơ chế sản phẩm theo đơn đặt hàng, bán sản phẩm cho HTX để cung cấp cho doanh nghiệp.
Việc các làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển sẽ giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, hoạt động của làng nghề Đỗ Xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn như quy mô làng nghề đang bị thu hẹp dần; mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa đa dạng; việc tiếp cận và mở rộng thị trường rất hạn chế, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; lao động trẻ có kỹ thuật còn ít; các hộ sản xuất hoàn toàn thủ công bằng tay; cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp còn hạn chế, khó áp dụng được khoa học, công nghệ mới, máy móc còn đơn giản, năng suất thấp… Những điều này khiến cho làng nghề thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên có nguy cơ bị mai một.
Trong bối cảnh đó, cuối năm 2019, Công ty TNHH LV và Hòn Ngọc Viễn Đông đã triển khai xây dựng, thực hiện dự án “Ứng dụng KH&CN để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ gắn với xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu” với mục tiêu là bảo tồn và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa xã Đỗ Xuyên trên cơ sở phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường nội tiêu và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân nông thôn, đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Thông qua dự án này, đơn vị chủ trì đã triển khai đánh giá hiện trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Đỗ Xuyên, từ đó đề xuất phương án tổ chức ứng dụng KHCN và bảo tồn làng nghề cũng như kế hoạch hỗ trợ nhằm bảo tồn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của làng nghề.
Phương án ứng dụng KHCN đó là, sử dụng máy móc công nghệ có xuất xứ chủ yếu từ thực tiễn đúc kết kinh nghiệm truyền thống, cải tiến, thử nghiệm và áp dụng thành công của Công ty chủ trì dự án và của các nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống, được các chuyên gia về ngành nghề nông thôn đánh giá tốt. Các trang thiết bị máy móc được sáng chế, cải tiến và đưa vào thử nghiệm trong hoạt động làm nghề đã mang lại những hiệu quả thiết thực về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm như: Máy sơ chế nguyên liệu; Máy cắt ngang; Máy lột bì, lột bụng và chẻ nan; Máy dần nan (băm nan); Máy bào; Hệ thống công nghệ phun sơn khép kín đảm bảo môi trường; Máy chà 2 mặt sản phẩm; Máy cắt tạo hình sản phẩm. Riêng các thiết bị máy móc tạo hình sản phẩm tiên tiến được sản xuất ở nước ngoài như Ý, Đức, Đài Loan và đã được ứng dụng ở Việt Nam, đem lại năng suất, hiệu quả cao và cải thiện rõ rệt chất lượng sản phẩm, độ đồng đều của hàng hóa tốt, giá thành thấp, mẫu mã phong phú, bắt mắt, đảm bảo không ô nhiễm môi trường.
Việc đầu tư máy móc thiết bị mới và chuyển giao công nghệ được thực hiện đồng bộ. Người lao động được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, kết hợp với sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới, qua đó đã mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao tay nghề và hiệu suất lao động cho người dân trong làng nghề.
Trong việc xây dựng thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ Đỗ Xuyên dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, dự án đã hỗ trợ xây dựng sổ tay quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể tre nứa dồn Đỗ Xuyên và triển khai mô hình thí điểm trong việc quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, đã tiến hành hỗ trợ Công ty TNHH LV& Hòn ngọc Viễn Đông đạt chứng nhận ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, từ đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sản phẩm của làng nghề đến một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Đặc biệt, sản phẩm của làng nghề đã được Hội đồng OCOP tỉnh Phú Thọ công nhận đạt chuẩn 4 sao, góp phần đáng kể trong việc triển khai chương trình OCOP của xã Đỗ Xuyên nói riêng, huyện Thanh Ba – tỉnh Phú Thọ nói chung.
Dự án cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp và HTX xây dựng các công cụ để quảng bá sản phẩm (catalogs về các sản phẩm, hệ thống tem nhãn, cẩm nang…). Đồng thời đã xây dựng các phóng sự về sự phát triển của làng nghề để phát sóng trên các kênh truyền hình của Trung ương và địa phương; hỗ trợ cho doanh nghiệp và HTX tham gia 05 Hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của làng nghề đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Và một trong những kết quả nổi bật đó là xử lý được vấn đề ô nhiễm trong làng nghề. Thay vì để cá hộ ngâm tre nứa tự do tại các ao, hồ… thì dự án đã hỗ trợ hệ thống ao ngâm tập trung được xây dựng kiên cố (kè) kết hợp với hệ thống xử lý nước thải ba bước ngâm – lắng – xử lý bằng hóa chất kết hợp thả bèo tây đã góp phần xử lý mùi hôi thối và hệ thống nước ao ngâm đã đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn nước thải ra môi trường.
Có thể thấy, hiệu quả mà dự án đem lại cho làng nghề tre, nứa dồn Đỗ Xuyên không chỉ là ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường… mà quan trọng hơn đó là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề đang có nguy cơ ngày càng bị mai một này. Qua đó, góp phần phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, để các làng nghề nói chung và làng nghề tre, nứa dồn Đỗ Xuyên nói riêng có thể phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, vẫn rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các cơ quan, ban ngành và địa phương.
Lê Mạnh