Việc ký kết những hiệp định FTA mới này là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế- xã hội và nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam trong tương lai. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dệt may của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA này. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện dệt may là ngành có tốc độ phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp, quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dệt may không ngừng được phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để ngành Dệt may nhanh chóng chớp được thời cơ khi các FTA có hiệu lực, trong đó TPP sẽ ảnh hưởng nhiều nhất, vì đây là một khu vực thị trường rộng, sức mua lớn, đa dạng, nhiều nước đã có quan hệ thương mại phát triển với Việt Nam. Đặc biệt Mỹ, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam trong thời gian gần đây (Mỹ chiếm tới 40%, Nhật Bản chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam). Trong TPP, mặt hàng dệt may rất được coi trọng, vì thế Hiệp định TPP đã dành riêng một chương quy định cho mặt hàng này.
12 đối tác tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may nhập khẩu vào một nước thành viên từ các nước thành viên khác được xóa bỏ thuế quan, trừ một số mặt hàng thuộc diện nhạy cảm cần có lộ trình xóa bỏ theo thỏa thuận giữa các thành viên. Điều kiện để được hưởng ưu đãi này là phải đáp ứng được quy tắc “Từ sợi trở đi”, yêu cầu hàng dệt may xuất khẩu trong khối phải sử dụng sợi và vải nội khối để được hưởng thuế suất ưu đãi TPP. Có một số trường hợp loại trừ với quy tắc này khi nguồn cung cho một chủng loại sợi và vải nào đó từ nội khối không đủ cho nhu cầu sản xuất hàng may mặc trong nội khối. Khi đó, Điều khoản “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” cho phép các nhà sản xuất sử dụng những sản phẩm tương ứng theo quy định có nguồn gốc từ bên ngoài khối mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi TPP. Với Việt Nam, có thể nói điều khoản về “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” là một ân huệ lớn, vì điểm yếu của ngành Dệt may Việt Nam là ngành sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào rất kém phát triển. Phần lớn sợi và vải cho ngành may mặc Việt Nam được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước phi thành viên TPP. Nếu cứ cứng nhắc áp dụng quy tắc “Từ sợi trở đi” thì dù thuế suất nhập khẩu đánh lên hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là 0% thì Việt Nam cũng khó có thể tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường nội khối do hạn chế nguồn cung đầu vào sợi và vải có nguồn gốc nội khối. Tuy vậy, sự ân huệ này không phải là vĩnh viễn. “Danh sách nguồn cung thiếu hụt” này chỉ có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực và là thời gian bắt buộc Việt Nam phải phát triển được một chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm gốc ở quy mô lớn, thay thế phần lớn hàng nhập khẩu ngoại khối như tình trạng hiện tại.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký chính thức ngày 2/12/2015. EU là khu vực thị trường rộng lớn với 28 thành viên, trên 500 triệu người tiêu dùng, bình quân GDP đầu người lên tới 25.000 EUR và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU dự kiến đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ sáu tại châu Âu, chiếm 3% thị phần. Quy định về xuất xứ của FTA Việt Nam - EU nhìn chung “dễ thở” hơn TPP, vì trong FTA Việt Nam - EU chỉ quy định “Từ vải trở đi” và trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với hàng dệt may Việt Nam. Theo tính toán, khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, mức tăng trưởng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng hơn 17%/năm. Để tăng nhập khẩu vào EU, sản phẩm dệt may Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, cũng như an toàn sản phẩm, nhãn hướng dẫn sử dụng, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt, bao bì.
FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu vừa được ký kết hồi cuối tháng 05/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Liên minh Âu - Á có thị trường chung cho 176 triệu người. Khi Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, các nước tham gia Hiệp định cam kết mở cửa đối với một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Như với ngành dệt may, 82% dòng thuế cam kết sẽ được cắt giảm, trong đó 36% dòng thuế sẽ về 0% và 42% dòng thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong lộ trình tối đa 10 năm. Các cam kết về quy tắc xuất xứ giữa FTA Việt Nam - EAEU có độ mở lớn, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam XK. Cụ thể với dệt may, được áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn. Khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Mỗi năm, Liên minh Kinh tế Á - Âu nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD hàng hóa dệt may. Năm 2014, Việt Nam xuất sang khối này chỉ có 320 triệu USD, thị phần của ta ở đó khoảng hơn 2%, đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh này. Nếu xử lý tốt lợi ích của FTA này chắc chắn Việt Nam có thị phần khoảng 10% tại thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu trong 5 năm tới là khả quan.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức ký kết ngày 5/5/2015, dự kiến mang lại tác động tích cực đối với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, xã hội. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Hàn Quốc là một trong những thị trường lớn, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Ngược lại, Hàn Quốc là nước đang cung cấp gần 20% vải cho ngành may mặc Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Thực tế, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu dệt may sang thị trường Hàn Quốc đã diễn ra từ khi Hiệp định FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2009. Ngành Dệt may Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này vì Hàn Quốc quy định về quy tắc xuất xứ dựa trên công đoạn sản xuất (cắt, may), thay vì hàm lượng trong sản phẩm (dệt, sợi, vải). Do đó, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 27% - 30% so với năm 2014…
Bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ. Sản lượng sợi đạt trên 1 triệu tấn/năm, trong đó gần 70% xuất khẩu. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu nhập khẩu (tương đương lượng sợi xuất khẩu, nhưng chất lượng cao hơn ) từ Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước TPP chỉ 9,7%. Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỉ mét vải/năm (chiếm 18% nhu cầu). Trong khi đó nhập khẩu vải tới 6,7 tỉ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, các nước TPP chỉ chiếm 5,3%. Thế mạnh của dệt may Việt Nam là ở công đoạn may. Khi TPP và các FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế vượt trội và hưởng lợi nhiều hơn. Tính đến nay, tổng số vốn FDI vào ngành Dệt may Việt Nam khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Với các dự án đã đi vào hoạt động khu vực FDI đang chiếm trên 60% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may cả nước. Để thực sự được hưởng lợi từ TPP và các FTA, Việt Nam phải nhanh chóng đẩy mạnh khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đổi mới và tăng cường quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Có như vậy, Việt Nam mới nắm bắt được cơ hội từ các FTA./.
Hà Lê