Chiều 26/3, tại TP. Đà Nẵng, Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hai nước Việt Nam và Lào phối hợp tổ chức "Tọa đàm giữa các cơ quan chức năng của Lào, Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào và các doanh nghiệp hai nước" nhằm đánh giá về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, nhu cầu thu hút vốn đầu tư của Lào giai đoạn 2016-2020; định hướng và chính sách ưu tiên thu hút đầu tư từ Việt Nam của Lào.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam-Lào năm 2016 diễn ra vào ngày 27/3. Tham dự tọa đàm có đại diện các bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp của hai nước.
Báo cáo về tình hình đầu tư của Việt Nam sang Lào, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến nay, tổng vốn đầu tư sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam là 4,9 tỉ USD. Lào là nước đứng thứ nhất trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt và Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào.
Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế-xã hội của Lào, được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao như dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam; dự án viễn thông của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)… Các dự án này giúp tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động của Lào, góp phần nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách của Lào.
Trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Lào, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, thông qua việc xây trường học, bệnh xá, bệnh viện, đường sá, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án…
Bên cạnh những thuận lợi, một số doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại Lào cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án, cũng như hiệu quả đầu tư. Tuy có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hoạt động, đầu tư tại Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin về tiềm năng thị trường, cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Lào.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư năm 2014 và Chính phủ đã thông qua Nghị định 83/NĐ-CP/2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài, sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tạo thuận lợi để triển khai dự án ở nước ngoài, trong đó có đầu tư tại Lào như cho phép chuyển tiền trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, mở rộng diện đăng ký, rút ngắn thời gian xem xét…
Ông Manothong Vongxay, Cục trưởng Cục xúc tiến đầu tư, Bộ KH&ĐT Lào cho biết, từ khi mở cửa thu hút đầu tư, đầu tư của Việt Nam vào Lào ngày càng tăng trên các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng và trải dài khắp các tỉnh, thành. Các dự án này đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Tuy nhiên, vẫn có một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn triển khai chậm tiến độ, một số dự án đã ký biên bản ghi nhớ tuy nhiên chưa được triển khai…
Tại buổi tọa đàm, doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi, thảo luận, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực như thuế, thủ tục hải quan, có đường dây nóng tại cửa khẩu, hỗ trợ vay vốn, cây giống, thị trường tiêu thụ, giá điện, giảm thuế vận tải, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong triển khai dự án đầu tư, sớm đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội hai nước Việt Nam-Lào.
Theo Chinhphu