Theo đó, sự hiện diện ngày càng tăng của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn cho ngành CNHT. Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, quy mô thị trường của lĩnh vực này đang mở rộng ra thị trường quốc tế, tạo cơ hội xuất khẩu mạnh mẽ. Với sự đầu tư lớn mạnh và chuyển giao công nghệ từ các “ông lớn” trong ngành điện tử, Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường vị thế của mình trên bản đồ CNHT toàn cầu?
Lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam trải rộng trên nhiều khía cạnh, bao gồm sản xuất linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện, gia công và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, mảng sản xuất và gia công linh kiện đang chiếm phần lớn trong cơ cấu đầu tư, phản ánh nhu cầu lớn từ các tập đoàn quốc tế đang đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù số lượng dự án hoàn thiện sản phẩm cuối cùng có phần ít hơn, nhưng lượng vốn đầu tư đổ vào các dự án này lại rất lớn, đã minh chứng cho sự quan tâm của các nhà đầu tư luôn coi Việt Nam như một trung tâm sản xuất chính.
Một ví dụ điển hình gần đây là việc Tập đoàn nhôm Kam Kiu, Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện nhôm cho các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh (điện thoại, màn hình máy tính, loa, đồng hồ) và phụ tùng ô tô với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Đáng chú ý, nhà đầu tư này đã lựa chọn Việt Nam không chỉ vì những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ mà còn bởi thị trường lao động có chất lượng ngày càng cao và sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hiệp định thương mại thế hệ mới. Những yếu tố này giúp giảm thiểu rào cản thuế quan khi các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU và châu Á.
Sự hiện diện và mở rộng của các tập đoàn quốc tế lớn như Samsung, Apple và các đối tác sản xuất của họ đang tạo nên cú hích mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Với việc Samsung đầu tư hàng tỷ USD để biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất lớn nhất ngoài Hàn Quốc, cùng sự gia tăng sản xuất của Apple thông qua các đối tác như Foxconn, Luxshare và GoerTek, Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Cụ thể, Apple đã yêu cầu Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ năm 2023, với khoản đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD và kế hoạch mở rộng thêm 300 triệu USD tại Bắc Giang. Luxshare và GoerTek cũng đang gia tăng quy mô hoạt động, với hàng trăm triệu USD đầu tư vào các nhà máy và hàng chục nghìn lao động được tuyển dụng. Pegatron - một nhà cung cấp lớn khác cũng đang triển khai nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên tới gần 01 tỷ USD tại Hải Phòng.
Những khoản đầu tư khổng lồ này không chỉ củng cố vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu, mà còn tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT. Với động lực này, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng điện tử quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện tử trong tương lai.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam đang dần trở thành “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, LG, và Intel. “Sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Việt Nam là kết quả của chính sách mở cửa, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong những năm qua,” ông Hải nhận định.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành CNHT điện tử
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sự ổn định về chính trị và an ninh là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực CNHT điện tử. “Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế để giảm thiểu rủi ro và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn ưu tiên,” ông Hiếu nhận định thêm.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam vẫn đang đối diện với không ít thách thức. Cụ thể, hiện nay, phần lớn sản xuất và xuất khẩu điện tử của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này thể hiện qua việc mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu gần 50 tỷ USD linh kiện điện tử từ nước ngoài, cho thấy mức độ nội địa hóa của ngành vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào các nhà cung cấp quốc tế.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đã nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ cung cấp được những sản phẩm đơn giản, có giá trị công nghệ thấp. Điều này phản ánh những thách thức mà doanh nghiệp nội địa đang đối mặt, bao gồm việc thiếu công nghệ tiên tiến và nguồn vốn đầu tư cần thiết để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách sâu rộng. Nếu không giải quyết được những rào cản này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa cơ hội từ sự mở rộng của ngành công nghiệp điện tử.
Để giải quyết những vấn đề đó, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT trong nước; Bộ Công Thương đã triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp FDI và nội địa có thể hợp tác hiệu quả hơn. Một trong những sáng kiến đáng chú ý là sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung trong việc đào tạo chuyên gia tư vấn cho ngành CNHT. Chương trình này giúp cải tiến quy trình sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc hợp tác với Tập đoàn Toyota cũng đã mang lại những kết quả tích cực trong việc cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Hàn Quốc thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK), một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT điện tử nâng cao năng lực và chất lượng sản xuất.
Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, để tận dụng tối đa tiềm năng của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển CNHT, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và sản xuất là một yếu tố quan trọng để duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, hạ tầng logistics và cơ sở hạ tầng vẫn cần được cải thiện, đặc biệt là trong việc phát triển các khu công nghiệp và hệ thống giao thông liên vùng. Mặc dù Chính phủ đã đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, việc mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông và cảng biển vẫn là cấp thiết.
Với những tiềm năng hiện có và sự hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện tử lớn nhất khu vực. Theo dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam có thể đạt tới 100 tỷ USD vào năm 2025, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế.
Nhìn về tương lai, Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò là nhà sản xuất mà còn có tiềm năng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ điện tử. Việc thu hút các tập đoàn quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể nói, sự chuyển mình của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử không chỉ là câu chuyện về sự phát triển kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự thành công của chiến lược mở cửa hội nhập quốc tế, biến Việt Nam trở thành động lực mới trong nền kinh tế số toàn cầu.
Thế Ngọc