Nhiều người xôn xao khi đọc tin "phở Việt của Thái-lan" đang là sản phẩm bán chạy ở Mỹ. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, hết lo rồi lại buồn, cho rằng Việt Nam có nguy cơ "mất bản quyền" với món phở. Riêng tôi thấy đấy là một lẽ hết sức bình thường. Người Thái làm phở Việt thì đã sao?
Thế giới phẳng, và kinh tế, văn hóa cũng... phẳng. Điều ấy đã được biết đến từ lâu. Trong ẩm thực, nhiều món ăn vốn là đặc trưng của quốc gia này, nhưng rồi đã được "quốc tế hóa", và được nhiều nước sản xuất. Món pizza vốn được khai sinh ở Italia, là niềm tự hào đất nước hình chiếc ủng, nhưng giờ khó mà thống kê được có biết bao nhiêu nước đang làm bánh pizza. Ở Việt Nam, chính người Việt cũng đang làm và kinh doanh bánh pizza - món ăn đặc sản của Italia. Ngoài những cửa hàng, cửa hiệu của người Việt, thì những nhà hàng thuộc diện "số má", đều không đến từ Ý! Chuỗi nhà hàng: Pizza Hut, Domino’s Pizza là của những doanh nghiệp Mỹ; Alfresco’s và Pepperonis - hai chuỗi nhà hàng khá nổi tiếng ở Việt Nam có xuất xứ từ... Hồng Công (Trung Quốc). Chưa kể một số thương hiệu pizza của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hiện diện ở Việt Nam.
Trong mối quan hệ với Thái-lan, chính người Việt cũng đang mở rất nhiều nhà hàng mang phong cách Thái ở các thành phố lớn. Thời đại toàn cầu hóa, những câu chuyện như thế là điều tất yếu. Vậy liệu một ngày nào đó, người Thái xuất khẩu phở đóng gói vào Việt Nam thì sao? Đấy cũng sẽ là một điều bình thường. Chẳng phải người Hàn Quốc mỗi năm nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn kim chi - món ăn quốc hồn, quốc túy của họ - từ đất nước láng giềng Trung Quốc đấy sao?
Khi nghĩ về thế mạnh ẩm thực Việt, cùng với phở, một trong những thứ đầu tiêu tôi nghĩ đến là trà. Việt Nam có văn hóa uống trà lâu đời. Bước vào thời hiện đại, chúng ta là một cường quốc trà. Những năm gần đây, nước ta xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn trà/năm, luôn nằm trong số những nước xuất khẩu trà lớn nhất thế giới. Thế nhưng, để thuyết phục giới trẻ uống trà gần như là điều vô vọng của ngành trà Việt. Điều này tồn tại mãi nhiều năm cho đến khi các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... làm hộ. Cơn sốt trà sữa bùng lên mấy năm nay vẫn chưa có hồi kết. Từ thành phố lớn sôi động cho đến những phố huyện thanh bình, đều có các cửa hàng trà sữa mọc lên. Ở những đô thị lớn, có những con phố mà quán trà sữa mọc lên san sát. Các ông chủ nước ngoài thì ung dung thu tiền từ nhượng quyền thương hiệu và bán nguyên liệu cho các chủ quán người Việt. Còn giới trẻ thì mải miết xếp hàng, giá một cốc trà sữa ngon tương đương gần nửa cân trà khô mà các doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu.
Không chỉ với những món ẩm thực, trong sự cạnh tranh ngày một gay gắt, bên nào cải tiến nguyên liệu, phương thức sản xuất, và cả nắm bắt xu hướng tiêu dùng để cho ra sản phẩm ngon hơn, phù hợp hơn giá thành hợp lý hơn, bên đó giành chiến thắng. Đấy là quy luật thị trường mà ai cũng thuộc lòng. Nhưng ứng dụng là một chuyện khác. Câu chuyện Trà Việt - trà sữa là một minh chứng cho điều đó. Chúng ta vẫn hồn nhiên làm ra những cân trà truyền thống, ca ngợi nền "văn hóa trà" của mình không phát triển những sản phẩm từ trà sao cho phù hợp thị hiếu, xu thế của thị trường.
Người Ý có lo ngại các nước khác bán bánh pizza không? Không hoàn toàn. "Thương hiệu Ý" được biết đến nhiều hơn khi những cửa hàng bánh pizza được mở thêm, dù người kinh doanh là ai. Người Thái đang thu lời từ phở Việt đóng gói. Nhưng vô tình, họ đang cho thế giới thấy sự độc đáo của ẩm thực Việt. Song, vấn đề khi ấy nằm ở chỗ tận dụng việc họ "quảng bá giúp" chúng ta ra sao.
Cái bình thường của chuyện người Thái bán phở Việt là nó nằm trong quy luật kinh tế mà ai cũng biết. Cái bất thường là chẳng ai có hành động gì để "người Việt bán phở Việt". Hẳn cũng chưa ai tính đến lợi ích từ việc người Thái đang quảng bá giùm món phở. Và bây giờ, nếu người Thái làm phở đóng gói ngon, giá thành hợp lý, sẽ chả có lý do gì để các gia đình người Việt không lựa chọn. Tất nhiên, câu chuyện, sẽ không chỉ dừng lại ở món phở mà thôi! |
Theo báo Nhân dân