Nhiều năm quanh đi quẩn lại rượu bia, thuốc lá, và “bán non” nông sản. Ở giác độ là người tiêu dùng, không có lý do gì không muốn người Việt ngày càng có thể sản xuất những mặt hàng đẳng cấp hơn như xe hơi, điện thoại thông minh.
Vinfast ra đời đúng lúc “cơn khát” xe hơi của người Việt đang đỉnh điểm, ước vọng “lên đời” phương tiện không khó để đáp ứng khi mà thị trường ôtô Việt Nam có đủ đầy các tên tuổi lớn, bé, hòm hòm. Nhưng giấc mơ ôtô Việt thật sự nhen nhóm khi Vingroup chuyển hướng kinh doanh .
Vinfast không chỉ làm xe và bán xe kiếm lời, Vinfast đang thực hiện sứ mệnh xây dựng thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam với tôn chỉ “3V: Việt Nam - Vingroup - Vươn lên”.
Người ta sẽ không quá “kỹ lưỡng” với những vấn đề của xe hơn Vinfast, nếu như muốn một ngày nào đó người Việt không mất vài chục phần trăm thuế nhập khẩu để sở hữu ôtô; không còn thấp thỏm chờ đợi những cam kết giữa các quốc gia với nhau trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xe hơi.
Từng được kỳ vọng đột phá, trở thành thương hiệu điện thoại thông minh đầu tiên khắc lên dòng chữ “made in Vietnam” mà không phải nhòm trước ngó sau. Bphone sắp ra đến thế hệ thứ ba, và vẫn còn nhiều việc phải làm mới có thể bứt phá, thành công.
Bphone 3 sẽ ra mắt vào ngày 10/10/2018.
Ngẫm lại, chiếc điện thoại Bphone - nếu thành công vang dội - nó đâu chỉ của ông Nguyễn Tử Quảng hay Bkav, nó còn là bộ mặt công nghệ quốc gia! Chắc chắn lúc đó người ta sẽ tung hô như anh hùng.
Đáng buồn, khi Bkav xông pha, nhiều người không thấy đó là tia sáng hiếm hoi của doanh nghiệp công nghệ cao. Vẫn còn đâu đó nhiều lời chê bai, gièm pha, thế nhưng, với sự quyết tâm tạo đột phá của mình, Bkav không thề chùn chân. Bằng chứng là 10/10 tới đây, Tập đoàn này tiếp tục cho ra mắt Bphone 3 với nhiều cải tiến về công nghệ, hình thức...
Đáng lẽ, những sản phẩm như Bphone cần được nuôi dưỡng nhiều hơn như một nỗ lực xây dựng kinh tế tri thức. Hoàn cảnh này chúng ta rất cần những con người có ước mơ lớn.
Từ Bphone, người viết cố gắng lý giải ở góc độ xã hội học, Bphone không có những đối thủ đúng nghĩa chung lãnh thổ, chung ngôn ngữ nhưng dường như họ phải đối đầu với rất, rất nhiều địch thủ. Ai đã tạo nên làn sóng chê bai, dè bỉu kẻ khác?
Mắng chửi, chê bai - sức sát thương của nó không hề giản đơn như chúng ta thường nghĩ, một người chê bai, một trăm người chê bai có thể lây truyền đến cả cộng đồng chê bai. Nó đánh sập bất cứ nỗ lực Maketting nào dù rầm rộ đến mấy.
Cái muốn nói đến là tâm lý đám đông, đó là thứ “đồng phục” đáng sợ nhất mà ngày nay được hậu thuẫn tối đa bởi các công cụ truyền thông xã hội. Một “đánh giá” vội vàng về chiếc Bphone mới ra mắt có thể làm tiêu tan nhiều nỗ lực; hay buông một lời dèm pha vào chiếc Sedan cáu cạnh đang triển lãm có thể vùi dập nỗ lực đáng khích lệ.
Hàng tá ý tưởng khởi nghiệp độc đáo còn vùi lấp ở đâu đó, rất nhiều những thương hiệu đang ăn nên làm ra bỗng dưng bị “đánh” tơi bời,… Nguyên nhân có phải do những con chữ nhảy múa trên mặt báo hay đó là kết quả của một chiến lược “cạnh tranh bẩn” nào đấy?
Thật đáng sợ một trào lưu phán xét vô tư mà ở đó không có bất cứ khoảng trống nào dành cho hai chữ “xin lỗi” nếu… tình cờ phát hiện mình chưa đúng!
Chúng ta luôn muốn trách nhiệm thuộc về kẻ khác, chưa sản xuất được ôtô, điện thoại, đất nước chưa hóa hổ hóa rồng một phần xuất phát từ tâm lý nhược tiểu, khó chấp nhận những cá nhân tiên phong.
Ông Trần Đình Thiên mới đây có nói trong một bài phỏng vấn rằng, người Việt có tâm lý ghét người giàu, như muốn “xúc đất đổ đi”. Người giàu không…đáng ghét, thứ đáng ghét là môi trường sinh ra những người giàu ích kỷ và thói quen biến người giàu trở nên đáng ghét!
Vinfast và Bphone, hai con đường, một mục đích: Những người tiên phong đã và đang tạo ra bộ mặt kinh tế tri thức cho đất nước...
Nguồn Enternews