Năm 2017, tăng trưởng GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 7,68%. Theo ông Vũ Việt Văn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương tổ chức triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành các chương trình hành động và chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp (DN), nhằm tháo gỡ khó khăn các kiến nghị của DN, người dân trên địa bàn.
Kết quả, bên cạnh tăng trưởng GRDP đạt kết quả tốt, cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8,52%; công nghiệp và xây dựng chiếm 59,62% và dịch vụ chiếm 31,86%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 2,0 tỷ USD, tăng 13,55% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu tăng 2,66 tỷ USD, tăng 4,21%, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải may mặc, linh kiện điện tử, ô tô các loại và phụ kiện đồng bộ. Năm 2017 cũng là năm tỉnh Vĩnh Phúc có số lượng DN thành lập mới tăng mạnh với 1.100 DN với tổng số vốn đăng ký 7,0 nghìn tỷ đồng, tăng 33% về số DN và 44% về số vốn đăng ký…
Mặc dù 17/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2017 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, song theo ông Vũ Việt Văn, vẫn còn 4/12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội không đạt kế hoạch đề ra, bao gồm: Tổng thu ngân sách trên địa bàn, thu hút vốn đầu tư, tỷ lệ che phủ rừng và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, số lượng DN thành lập mới tuy tăng mạnh nhưng số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn rất lớn, chiếm tỷ lệ 30% tổng DN đăng ký. Đây là những “nút thắt” lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng của Vĩnh Phúc trong năm 2018.
Bên cạnh những tồn tại trên, năm 2018, lộ trình cắt giảm thuế quan đối với thuế nhập khẩu linh kiện điện tử và xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống còn 0% sẽ tiếp tục tác động lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô của tỉnh, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng khoảng 7,5-8% so với năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2018 sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ đồng bộ hóa các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và sản xuất kinh doanh. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, cùng với đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp hiện có, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng năm 2018, Vĩnh Phúc cũng tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển để xây dựng hạ tầng đô thị. Để thực hiện giải pháp này, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Quản lý chi ngân sách đản bảo chặt chẽm tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện triệt để chống lãng phí, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vốn vay...
Nguồn Báo Công Thương