Thứ Sáu, 13/09/2024 04:56:59 GMT+7
Lượt xem: 810

Tin đăng lúc 30-06-2024

Vĩnh Phúc: Hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bằng việc phát triển làng nghề và sản xuất TTCN

Phát triển làng nghề và sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương. Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong các địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy các làng nghề và sản xuất TTCN phát triển bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Vĩnh Phúc: Hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bằng việc phát triển làng nghề và sản xuất TTCN
Toàn tỉnh có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới

Qua đó, tỉnh không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", từ đó hiện thực hoá mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

 

Hiện toàn tỉnh có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Điển hình như Làng nghề tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường hiện có gần 700 hộ làm rèn và gần 500 hộ làm mộc với tổng số lao động trong 3 làng nghề hơn 2.000 người. Cùng với việc đổi mới công nghệ, nhanh nhạy trong nắm bắt mở rộng thị trường, sản xuất TTCN của xã đã có những bước phát triển mạnh, các sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm rèn Bàn Mạch không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Ông Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rèn Thanh niên xã Lý Nhân cho biết: Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương cùng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, HTX có điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, HTX đã cho ra mắt bộ dao nhà bếp 8 con. Với mẫu mã đẹp cùng chất lượng tốt và tính ứng dụng cao, bộ sản phẩm liên tiếp được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt SPCNNTTB cấp Quốc gia năm 2023. Hiện trung bình mỗi tháng HTX Rèn Thanh niên xã Lý Nhân sản xuất và tiêu thụ từ 4.000 - 5.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng, cào... không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước mà nhiều sản phẩm dao, kéo của HTX đã có mặt ở một số nước châu Âu. Nhờ đó, HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập 7 -  9 triệu đồng/người/tháng.

 

Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển làng nghề như: Phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề... Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm tổ chức 01 hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp - TTCN, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu cho 125 học viên; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 31 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ 01 đề án nhóm cho 04 cơ sở, hộ kinh doanh mua máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ 556 triệu đồng.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển làng nghề và sản xuất TTCN vẫn gặp những khó khăn, bất cập như: Sản xuất TTCN của một số làng nghề mới phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu; phát triển ngành nghề mới còn hạn chế; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn tại hộ gia đình, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ; công nghệ sản xuất lạc hậu, manh mún; mặt bằng chật hẹp, xen kẽ với khu dân cư và phát sinh nhiều chất thải…

 

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói đẹp, bắt mắt, thu hút người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ... tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp các cơ sở CNNT kịp thời nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

 

Tiến Hải


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang