Do đó, hầu hết những người quan tâm đến địa phương này đều tin tưởng người dân Vĩnh Phúc có đời sống kinh tế ổn định với mức thu nhập cao. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Đơn cử, năm 2018 GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 85,62 triệu đồng, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 cả nước. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 42,72 triệu đồng, đứng thứ 24 cả nước.
Đây là một nghịch lý, nỗi trăn trở nhiều năm qua của các thế hệ lãnh đạo tỉnh. Có thể nói, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người và GRDP bình quân đầu người, đồng thời thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người với các địa phương khác trong vùng và cả nước là thách thức lớn đối với Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới.
Nghịch lý GRDP và thu nhập bình quân đầu người
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa diễn ra do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá, mức độ chênh lệnh cho thấy mặc dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng người dân chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Mặt khác, so sánh với các tỉnh, thành phố công nghiệp phát triển khác trong cả nước, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc là khá thấp đang bị tụt lại và có khoảng cách ngày càng lớn so với các địa phương phát triển.
“Bài toán thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người và GRDP bình quân đầu người, đồng thời thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so với các địa phương khác đang là thách thức lớn đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thời gian tới”, bà Lan nhấn mạnh.
Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhìn thấy vấn đề kinh tế tăng trưởng cao nhưng người dân chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Do đó, ông theo ông Thành, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải tạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân thông qua việc thay đổi căn bản về chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội; các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh phải hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, phát huy được nguồn lực nội tại, khả năng sáng tạo của nhân dân để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Việc xây dựng Đề án và Nghị quyết “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận việc làm và được thụ hưởng các thành quả phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần; bảo đảm cung cấp phúc lợi và các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội học tập, tiếp cận y tế, vui chơi, giải trí cho mọi người dân, thúc đẩy sự phát triển xã hội, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của tỉnh.
Theo đánh giá của không chỉ các chuyên gia kinh tế mà còn của không ít người dân, một tỉnh được gọi là giàu thì không thể và không nên có chuyện người dân còn nghèo, thu nhập còn thấp. Nếu không, khó có thể gọi là tỉnh giàu. Bởi thế, nghịch lý này tồn tại ở Vĩnh Phúc dù bấy lâu nay không là sự lạ thì cũng không thể gọi là chuyện bình thường.
Đã thế, chuyện nhiều năm nay tỉnh luôn tìm mọi cách làm giàu, tăng thu nhập cho người dân là điều ai cũng biết. Cụ thể, từ năm 2006, tỉnh đã có Nghị quyết 03 về “Tam nông” nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân. Ngoài ra, còn nhiều chủ trương, chính sách cụ thể khác phục vụ việc nâng cao đời sống người dân trong tỉnh. Vậy, tại sao vẫn có tình trạng này?
Chủ động đề xuất cơ chế phù hợp
Có ý kiến cho rằng, hàng năm, Vĩnh Phúc nộp ngân sách Nhà nước tới gần 60% thu nhập là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỉnh không còn đủ nguồn lực đầu tư phát triển tại chỗ. Đây là vấn đề mang tính chính sách của Quốc gia. Vì vậy, Vĩnh Phúc cần chủ động, tiên phong trong việc đề xuất với Trung ương những cơ chế chính sách phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, mang tính đặc thù của địa phương; coi đây không chỉ là lợi ích của địa phương mà còn vì trách nhiệm với đất nước.
Theo ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để cải thiện tình trạng này, điều quan trọng là công nghiệp hóa phải đi liền với hiện đại hóa. Cụ thể, nông thôn Vĩnh Phúc cần được đô thị hóa cho tương ứng với tỷ lệ dân số. Cần có những đề xuất với Trung ương mở một số cơ chế đặc thù để từ đó tỉnh có quyền chủ động thực hiện Đề án hiệu quả hơn. “Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cần phát huy lợi thế phù hợp với việc lựa chọn hướng phát triển căn cứ vào xu thế của thời đại”, ông Thiên đề xuất.
Khẳng định nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, những năm qua Vĩnh Phúc là địa phương đi tiên phong trong cả nước nói chung và miền Bắc nói riêng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những gì mà Vĩnh Phúc đạt được như hiện nay là mơ ước của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, so với các nước công nghiệp trên thế giới, tỷ lệ phát triển của Vĩnh Phúc chưa được như mong đợi, chưa tương xứng với những nỗ lực của địa phương trong những năm qua. Vĩnh Phúc đã rất nỗ lực trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhưng trong thời gian tới cần điều chỉnh một số nội dung để quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt hiệu quả cao hơn.
“Cụ thể, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đầu tư ở 2 khu vực nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công nghiệp về nông thôn, nhưng cần tập trung, không quá phân tán vì dễ gây ra vấn đề về môi trường”, ông Phát nói.
Theo Enternews