Thứ Sáu, 22/11/2024 02:53:36 GMT+7
Lượt xem: 3783

Tin đăng lúc 26-10-2015

“Vương quốc” thời trang Việt giá rẻ

Trong muôn vàn khó khăn, nhiều tiểu thương ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) đã tìm được “lối ra” nhờ tập trung kinh doanh hàng thời trang Việt giá rẻ.
“Vương quốc” thời trang Việt giá rẻ
Hàng thời trang giá rẻ thu hút đông khách hàng nhờ giá rẻ và “hợp gu” của nhiều đối tượng

Phó Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai Trần Thị Thái Thanh cho biết, chợ hiện có 1.600 sạp do 800 hộ kinh doanh. Năm 2011, chợ chỉ có hơn 100 sạp bán hàng thời trang (quần áo, giày dép, túi xách, giây thắt lưng, ví, trang sức…) nhưng hiện đã có 500 sạp, chủ yếu là bán lẻ.

 

Chị Hiền- chủ sạp quần áo ở chợ- cho biết, trước đây hàng chủ yếu lấy từ chợ Tân Bình, nhưng nay hầu hết đặt các cơ sở may đo. Cách làm “mua tận gốc bán tận ngọn” đã tạo nguồn hàng giá thấp, chỉ bằng 1/2- 1/3 so với sản phẩm cùng chất liệu vải, mẫu mã bán tại các siêu thị.

 

Các loại quần áo thời trang ở chợ PVH rất đa dạng, từ sang trọng đến bình dân, giá bán không cao. Các loại váy, đầm giá bình quân 130.000- 300.000 đồng/chiếc, quần jean 100.000- 250.000 đồng/chiếc, áo 80.000- 180.000 đồng/chiếc...

 

Bà Nguyễn Thị Lâm- chủ nhân 3 sạp quần áo thời trang- chia sẻ, để có hàng “đầu vào” giá thấp, tiểu thương phải đặt hàng số nhiều thì mới có “ăn”. Nếu mua 1.000 sản phẩm, giá chỉ 50.000 đồng/sản phẩm, mua 100 sản phẩm giá đội lên 70.000 đồng/sản phẩm, như vậy mua nhiều mới có được hàng giá cạnh tranh.

 

Ở chợ Phạm Văn Hai, không ít tiểu thương sở hữu từ 2- 5 sạp bán mặt hàng thời trang. Bà Nguyễn Thị Lan- người kinh doanh 2 sạp giày dép- cho biết, hàng ở chợ muốn tiêu thụ được phải bán giá rẻ.

 

Cái khó thường gặp hiện nay của các tiểu thương chợ truyền thống  nói chung tại TP.Hồ Chí Minh là tìm cách để người tiêu dùng trút hầu bao mua hàng hóa. Tại chợ, để bán được hàng thời trang, người kinh doanh kiêm luôn vai trò là “nhà thiết kế” để tạo ra những sản phẩm hợp với thị hiếu của khách hàng.

 

Chị Đàm Vân Ly- sạp bán túi xách, ví - nói rằng, để bán được hàng, người kinh doanh phải cung cấp cho khách những mẫu mã mới, hợp thời trang. Muốn có được hàng “ăn khách”, tiểu thương phải tìm tòi trên mạng để tìm những loại sản phẩm mới, hợp thời để đặt hàng nhà sản xuất cung cấp.

 

Một điều mới mẻ, đáng ghi nhận trong ngành kinh doanh hàng thời trang tại chợ ít có sản phẩm “nhái” các thương hiệu nổi tiếng của thế giới mà trực tiếp gắn mác của chủ sạp hàng hay của cơ sở sản xuất. Tiểu thương bán quần áo thun Tô Thị Hoa giải thích, hàng gắn mác của mình không sợ bị mang tiếng ăn cắp thương hiệu của người khác và cũng là cách chỉ rõ cho khách hàng nguồn gốc của hàng hóa.

 

Hàng thời trang kinh doanh tại chợ Phạm Văn Hai hầu hết là hàng Việt, giá bán bình dân, khách hàng đa phần là học sinh, sinh viên, công nhân, thường đông nghịt vào giờ tan tầm, thứ bảy và chủ nhật. Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen Huỳnh Mỹ Dung cho biết, nhóm bạn của cô mỗi tháng đến chợ Phạm Văn Hai vài lần để mua hàng thời trang. Hàng ở đây rẻ, chất lượng khá tốt, mẫu mã lại phong phú.

 

Các chợ truyền thống ở TP.Hồ Chí Minh hiện đang trong tình trạng buôn bán ế ẩm, cách làm của tiểu thương chợ Phạm Văn Hai cho thấy nếu bắt đúng mạch, tìm đúng hướng đi thì chợ truyền thống vẫn phát triển và có lượng khách riêng.

 

Ở chợ Phạm Văn Hai ít có sản phẩm “nhái” các thương hiệu nổi tiếng của thế giới mà gắn mác của chủ sạp hàng hay của cơ sở sản xuất.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang