Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chi biết, xây dựng đồng bộ Khu trung chuyển hàng hóa nhằm khai thác triệt để lợi thế về kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ cho xuất nhập khẩu của cả nước qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giải quyết triệt để ách tắc hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự án Khu trung chuyển hàng hóa được thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng sẽ mang lại hiệu quả to lớn, đáp ứng mục tiêu phát triển, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, là đầu mối giao thương xuất khẩu hàng hóa, là trung tâm tiếp nhận lưu kho, phân phối hàng hóa..., là nơi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan các thủ tục hải quan, gắn kết các loại hình công trình dịch vụ, v.v...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh cũng đã phê duyệt 2 quyết định triển khai thực hiện dự án xây dựng Khu trung chuyển hàng hoá tại cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn. Theo đó, đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu trung chuyển hàng hoá và chế xuất; và dự án đầu tư xây dựng Khu trung chuyển hàng hoá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu.
Báo cáo về sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư Khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, ông Lê Thành Chung, Trưởng ban Quản lý dự án Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thúc đẩy hợp tác với các địa phương biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; trong đó có tăng cường thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, đẩy nhanh tốc độ xây dựng Trung tâm lưu thông hàng hóa nông sản, hải sản của Việt Nam.
Họp về xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu tinh tế cửa khẩu
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến các đơn vị chức năng cho rằng, địa phương cần phải làm rõ những Khu trung chuyển này có trùng lặp chức năng với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên địa bàn hay không; tính toán xem các hạng mục nào phải từ nguồn vốn ngân sách và hạng mục nào thì cần thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Từ đó, xây dựng cơ chế đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đã bám sát thực tế và có định hướng dài hạn phục vụ phát triển thương mại qua biên giới, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như đóng góp tích cực và nâng cao chất lượng của xuất khẩu và thương mại cho mặt hàng nông sản, rau quả trái cây thông qua hoạt động thông quan tại địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh những ý kiến đóng góp của địa phương, doanh nghiệp, các Bộ, ngành cho dự án Khu trung chuyển.
Trên thực tế, nếu có thể xây dựng 2 dự án sớm thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ đem lại hiệu quả cao cho Việt Nam, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, đóng góp vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản mà còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Ngoài những hiệu quả về mặt thương mại, kinh tế thì còn có đóng góp lớn vào trong các vấn đề an ninh biên giới cũng như phát triển hoạt động thương mại biên giới. Vì vậy, Bộ Công Thương đánh giá đề án Khu trung chuyển là cần thiết có tính khả thi triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, UBND các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng cần căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, cùng ý kiến của các Bộ, ngành từ đó cần rà soát lại nội dung dự án, đặc biệt là phần phân tích, đánh giá tính thiết yếu của đề án. Phân tích rõ hơn để thấy được vai trò của khu trung chuyển hiên đại, kết nối với khu trung chuyển của Trung Quốc. Đặc biệt cần phân tích đối chứng, so sánh số liệu vận chuyển và thông quan nông sản vào thị trường Trung Quốc một cách cụ thể hơn nữa. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị, 2 địa phương tiếp thu, tổ chức triển khai thực hiện đề án, đồng thời làm rõ năng lực địa phương trong tổ chức thực hiện.
Đối với doanh nghiệp quan tâm đầu tư, địa phương cũng cần cụ thể hoá với các doanh nghiệp về chính sách, thu hút đầu tư…, để thống nhất sự phân định và khả năng tham gia dự án. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, cần phải thống nhất nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với các Khu trung chuyển như một khu kinh tế cửa khẩu, đảm bảo yêu cầu tạo ra một Khu trung chuyển có tính chất đồng bộ, theo hướng đơn giản hoá các thủ tục, hoạt động quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động thương mại ổn định, hiệu quả.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương