Báo cáo từ Vụ Công nghiệp nhẹ cũng cho biết, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), nhưng là nước đứng thứ 3 trên thế giới về giá trị (sau Trung Quốc và Italy). Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước. Tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, giầy dép của Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại gần 40 nước trên thế giới.
Tại Hội nghị xuất khẩu ngành da giày 2015 diễn ra tại TP.HCM ngày 15/7, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành da giày của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trong quá trình hội nhập.
Theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm tới trên 80%). Đây là 4 nước và khu vực mà Việt Nam đã và đang đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhật Bản là nước đã ký FTA với Việt Nam sớm nhất (2009), hiện nay, thị phần của giày dép và túi xách Việt Nam vào thị trường này vẫn tăng trưởng tốt thì Hàn Quốc cũng vừa ký chính thức FTA với Việt Nam trong tháng 5 vừa qua, với những cam kết cắt giảm thuế đối với mặt hàng da giày. Thị trường Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai thị trường lớn nhất là EU và Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ khi các dòng thuế đối với ngành da giày được cắt giảm.
Theo ông Hải, hiện nay, các sản phẩm da giày xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đang phải chịu mức thuế khá cao, tùy từng mặt hàng mà chịu các mức thuế khác nhau, ví dụ như những mặt hàng có mã số 6403 chịu mức thuế 5-8%, mã 6404 (17%).
Tương tự tại thị trường Hoa Kỳ, nhiều mặt hàng giày dép cũng chịu thuế xuất khá cao, có những mặt hàng chịu thuế tới 17%, cá biệt có mặt hàng thuế suất lên tới 37% (mã hàng 6401).
Do đó, có thể thấy rằng khi TPP giữa Việt Nam-Hoa Kỳ và FTA Việt Nam-EU được ký kết, với thuế suất được giảm dần về 0%, các sản phẩm da giày và túi xách của Việt Nam sẽ nâng cao được tính cạnh tranh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Ngoài bốn thị trường chính nêu trên, vừa qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu vừa được chính thức thông qua với cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu vào các nước đối với nhóm giày thể thao của Việt Nam cũng là cơ hội tốt để các DN ngành da giày Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực này, nhất là thị trường truyền thống Nga.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi các Hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam ký kết có hiệu lực, ngành da giày tăng trưởng thêm khoảng 15-20% mỗi năm; qua đó, đến năm 2020 có thể đạt trên 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành da giày, để được hưởng lợi ích của các Hiệp định FTA mang lại thì các DN da giày và túi xách đang đứng trước nhiều thách thức do những cam kết về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam phải thực hiện khi tham gia các hiệp định nói trên, trong khi ngành da giày trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 nguyên vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, các DN ngành da giày cần đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, thiết kế mẫu mã, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ