Mới đây nhất, tại hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng 2015 do Bộ Công Thương tổ chức hôm 12/10, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chủ tịch Hội Cao su Việt Nam có than phiền các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đang gặp khó về thuế vì mặt hàng cao su sơ chế để xuất khẩu vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo bà Hoa, sự việc dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh.
Đội chi phí vì… miễn thuế
Trước đó, nhận thấy bất cập về thuế nên cuối tháng 9/2015, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) gửi văn bản đến Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiến nghị sửa đổi và bổ sung phần VAT trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Vấn đề về VAT của doanh nghiệp cao su xuất khẩu cũng là vấn đề "nhức đầu" chung của doanh nghiệp ở các lĩnh vực thuộc nông - lâm - thuỷ sản xuất khẩu. Bởi vì chính sách thuế đang làm khó doanh nghiệp với các quy định rườm rà về đối tượng không chịu thuế và đối tượng được giảm thuế xuống 0%, cũng như cách phân định mặt hàng "sơ chế" hay "tinh chế" để tính VAT.
Trong Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về VAT và quản lý thuế, khi quy định về đối tượng không chịu VAT, có lưu ý: Các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Bao gồm: vật nuôi, cây trồng; thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp….
Nếu căn cứ theo quy định trên, đơn cử trong trường hợp những doanh nghiệp thuỷ sản đang đầu tư nuôi khép kín như tôm, cá tra, để chủ động nguồn nguyên liệu, thì cách áp dụng không chịu thuế như trên lại không đơn giản.
Theo một doanh nhân ngành thuỷ sản, trước đây, các mặt hàng này chịu mức VAT 5% và doanh nghiệp chỉ cần kê khai đầu ra (do người mua chịu nên nếu là doanh nghiệp thì người mua được khấu trừ đầu vào tiếp theo).
Còn bây giờ, các doanh nghiệp thuỷ sản phải xuất hóa đơn không thuế và phải phân bố đầu vào trong khi đây là quy trình nuôi trồng, sản xuất chế biến khép kín nhưng lại không được kê khai khấu trừ. Vô hình chung, chi phí của doanh nghiệp thuỷ sản càng đội lên.
Hoặc điển hình như Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT có hiệu lực từ 1/1/2015 cũng là vấn đề gây tranh cãi gần đây.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp phân bón, do được miễn VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0%, nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào nhưng không được khấu trừ đầu ra.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, tính toán sơ bộ, sau khi luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực, giá thành các loại phân bón bình quân đều tăng, phân đạm tăng 7-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%…Chính việc này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với phân bón nhập khẩu.
Trở lại vấn đề thuế của doanh nghiệp xuất khẩu cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam phản ánh, theo danh mục sản phẩm nông - lâm - thủy sản ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BNNPTNT ngày 18/11/2014 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, mặt hàng mủ cao su sơ chế cũng là sản phẩm trồng trọt, tuy nhiên, cao su sơ chế vẫn phải áp dụng thuế suất VAT là 5% ở khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thương mại.
"Điểm nghẽn" xuất khẩu?
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Cao su đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị cho nhóm mặt hàng cao su thiên nhiên sơ chế được áp dụng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế VAT trong khâu kinh doanh thương mại theo nhưng vẫn không được Bộ Tài chính chấp thuận. Như vậy, điều này có trái với quy định trong Thông tư 26/2015/TT-BTC?
Như vậy đã rõ, xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đang chịu thiệt bởi chính sách thuế. Theo các chuyên gia về luật, trong Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, cần phân biệt rõ loại thuế suất 0% và không chịu VAT.
Đối tượng không chịu VAT là những loại vật tư, hàng hoá dùng cho các lĩnh vực như: Khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển; Hỗ trợ tư liệu sản xuất trong nước không sản xuất được; Dịch vụ liên quan thiết thực, trực tiếp đến cuộc sống người dân và không mang tính kinh doanh; Liên quan đến nhân đạo…
Còn loại thuế suất 0% là loại thuế áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình của doanh nghiệp chế xuất; hàng bán cho cửa hàng bán hàng miễn thuế; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu VAT khi xuất khẩu, trừ một số trường hợp khác.
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng hai loại này tuy có chung đặc điểm là doanh nghiệp không phải nộp thuế nhưng loại hình thứ hai (áp dụng với một số ngành làm đầu vào của nông nghiệp) sẽ không được khấu trừ VAT đầu vào, trong khi sản phẩm của các ngành này bao gồm rất nhiều các loại thuế nằm lẫn trong chi phí đầu vào.
Vì vậy, doanh nghiệp các ngành trong danh sách này thậm chí còn thiệt thòi hơn cả khi phải chịu một mức thuế suất nào đó. Điều đó khiến các doanh nghiệp không thể giảm giá bán, dẫn đến cạnh tranh yếu. Và điều đó góp phần khiến xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lâm vào thế suy giảm.
Nguồn: Thời báo Kinh doanh