Thứ Ba, 30/04/2024 03:37:23 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2021

Lượt xem: 1140

An Giang tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ DN ứng dụng máy móc trong sản xuất

Những năm qua, nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại An Giang phát triển sản xuất thông qua các hoạt động như tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ máy móc thiết bị… Nhờ đó, những đơn vị được thụ hưởng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội trong việc phát triển thị trường, giúp kinh tế thêm phần khởi sắc.
An Giang tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ DN ứng dụng máy móc trong sản xuất
An Giang đang tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ DN ứng dụng máy móc trong sản xuất

Năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang (TTKC) đã hỗ trợ 15 đề án giúp các DN, cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc vào sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến các đề án: Hỗ trợ máy tiện (tổng kinh phí 209 triệu đồng) cho dự án hỗ trợ máy tiện trong việc sản xuất thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (Châu Thành); Hỗ trợ máy sấy năng lượng mặt trời (396 triệu đồng) cho dự án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình sản xuất trà Atiso đỏ (Thoại Sơn); Hỗ trợ nồi áp suất (trị giá 190 triệu đồng) cho dự án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất rượu (Châu Phú)...

 

Cơ sở điêu khắc Út Trắng (xã Long Điền A, Chợ Mới, An Giang) là đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh các mặt hàng mộc mỹ nghệ, như: Tủ, bàn, ghế; đồng thời gia công các sản phẩm điêu khắc, tượng gỗ... Anh Nguyễn Hùng Sức - chủ cơ sở cho biết, trong quá trình sản xuất, việc chế tác các sản phẩm bằng phương pháp thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức nên cơ sở không thể hoàn thành kịp tiến độ cho khách hàng.

 

Được sự hỗ trợ của TTKC, năm 2020, anh Sức mạnh dạn đầu tư 01 máy CNC 2614-2z-6 với tổng giá trị 407 triệu đồng, trong đó TTKC đã hỗ trợ 200 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ nguồn tiền, anh Sức còn được hỗ trợ kỹ thuật vận hành thiết bị, thiết kế sản phẩm trên máy tính... nên việc sản xuất có nhiều thuận lợi hơn. Theo anh Sức: “So với phương pháp sản xuất thủ công, việc sử dụng máy CNC nâng hiệu suất tăng gấp 4 lần, chất lượng sản phẩm làm ra được đồng đều, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

 

Đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia những năm qua đã tác động lớn tới sự phát triển của ngành CNNT tỉnh. Các cơ sở CNNT, đặc biệt là cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh phí khuyến công quốc gia, trong năm 2021, Sở Công Thương An Giang sẽ chú trọng hỗ trợ “kép”, vừa mở rộng sản xuất, vừa phát triển thị trường cho các cơ sở CNNT. Bên cạnh đó, tiếp tục lựa chọn đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; Ưu tiên các cơ sở chế biến sâu, hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng tham gia xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

Phạm Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang