Thứ Bẩy, 04/05/2024 17:02:55 GMT+7

Tin đăng lúc 26-06-2016

Lượt xem: 5055

Ba Vì trên đường hội nhập và phát triển

Ba Vì là huyện nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, có diện tích tự nhiên 428 km², được coi là huyện ngoại thành lớn nhất Hà Nội.
Ba Vì trên đường hội nhập và phát triển
Ba Vì nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp

Năm 2015, là năm cuối thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì khóa XXI, nhiệm kỳ 2010-2015. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn còn có những khó khăn. Được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng thuận của nhân dân, huyện đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ vững; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

 

Tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt 20.293 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm 9.844 tỷ đồng, đạt 101% so với KH; tăng trưởng kinh tế đạt 14%. Cơ cấu kinh tế theo giá trị tăng thêm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 52%; Nông lâm nghiệp chiếm 32%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 16%. Riêng về tổng sản lượng cây có hạt là 103.471 tấn, đạt 105,6% KH. Hệ số sử dụng đất đạt 2,3 lần. Giá trị sản xuất đạt 120 triệu đồng/ha canh tác. Giá trị thu nhập 85 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha. Diện tích cây chè 1.850 ha, tăng 20 ha; năng suất 10 tấn/ha/năm. Sản lượng 18.500 tấn búp tươi. Chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển. Tổng đàn trâu 4.789 con; đàn bò 36.800 con; riêng đàn bò sữa có 9.376 con, tăng 10,3%; bò BBB đạt 5.000 con. Đàn lợn 342.000 con, tăng 25%. Đàn gia cầm 4 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản giữ vững và ổn định 1.900 ha, sản lượng đạt 8.500 tấn, đạt 113% KH. Trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh. Trong lĩnh vực phòng chống cháy rừng được đặc biệt quan tâm. Toàn huyện trồng mới 61.532 cây phân tán (đạt 307% KH). Bảo vệ an toàn trên 4.500 ha diện tích rừng do huyện quản lý; chăm sóc 2.500 rừng trồng; kiểm kê 3.709,36 ha rừng và đất rừng lâm nghiệp tại 13 xã có rừng. Giám sát trồng rừng tập trung sau khai thác 21,55 ha tại các trại thực nghiệm lâm sinh.

 

Công tác xây dựng NTM đã có 7 xã đạt chuẩn NTM. Trong công tác dồn điền đổi thửa ngoài thực địa tăng hơn 210 ha so cùng kỳ. Sản xuất Công nghiệp – TTCN, khoa học và công nghệ, đạt tổng giá trị 2.660 tỷ đồng, tăng 20%. Duy trì các hoạt động khuyến công, nhân cấy nghề, hỗ trợ mô hình phát triển ngành nghề tại xã Ba Vì (thuốc nam), Tiên Phong (nghề xâu hạt gỗ), Phú Cường (may dân dụng), Tản Hồng (mộc dân dụng). Tổng giá trị dịch vụ – du lịch đạt 7.682 tỷ đồng, đạt 102%, tăng 17% so cùng kỳ. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thương mại, bình ổn giá hàng tiêu dùng trên địa bàn huyện. Tổ chức 2 phiên “Chợ Việt” đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi. Tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Nổi bật nhất hiện nay của Ba Vì là huyện ngoại thành có nhiều tiềm năng về du lịch-dịch vụ đang được khai thác. Chẳng có nơi nào có cảnh sắc núi non, rừng già, suối thác hoà quyện gắn bó với nhau như ở Ba Vì. Vùng núi Ba Vì chiếm gần 50% diện tích toàn huyện, với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 mét. Hệ động thực vật phong phú và quý hiếm đang được bảo tồn gel tại các trung tâm sinh thái động thực vật quốc gia. Nhiều di tích du lịch được du khách trong và ngoài nước biết đến như Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, Suối Tiên, Thác Đa và nguồn suối khoáng nóng Thuần Mỹ. Ngoài ra, Ba Vì còn có một loạt những di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã đi vào lịch sử như khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Sơn Tây, vùng rừng thông Đá Chông, khu tưởng niệm Bác Hồ và hàng loạt các đình, chùa, đền đã được Nhà nước xếp hạng.

 

Công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết tích cực, những vướng mắc của người dân về dự án đã được xử lý, không có khiếu kiện, như: Dự án tiếp nước sông Tích, nghĩa trang Yên Kỳ, bãi rác Tản Lĩnh, Trung tâm huấn luyện V15,... Tổng diện tích đã GPMB bàn giao cho chủ đầu tư 62 ha, với số tiền giải ngân gần 164,5 tỷ đồng của 1.192 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đối với 3 dự án, 8 tiểu dự án. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm sóc người có công, người cao tuổi, hộ nghèo.

 

Năm 2016, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Đảng bộ huyện lần thứ XXII; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, UBND huyện Ba Vì xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tổng giá trị sản xuất đạt 22.725 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GTSX đạt 12%. Tổng giá trị tăng thêm đạt 11.101 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đat 13%. Cơ cấu kinh tế theo giá tăng thêm: Dịch vụ 54%; Công nghiệp xây dựng 17%; Nông lâm thủy sản 29%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 96.000 tấn. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 140 tỷ đồng. Tỷ suất sinh thô 16,5%; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 11%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 11%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%. Tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa 84,5%. Số làng, thôn được công nhận danh hiệu Làng văn hóa đạt 112 làng, tăng 02 làng…

 

Với những thành tựu đã đạt được của năm 2015, Ba Vì đang trên đường hội nhập và từng bước vươn tới những tầm cao mới, xứng đáng là một huyện ngoại thành của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy còn gặp không ít khó khăn; song, tập thể lãnh đạo huyện Ba Vì luôn tự hào về những thành quả đã đạt được. Năm 2016, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị khu trung tâm. Mở rộng và cải tạo thị trấn, thị tứ, các trục đường lớn và trụ sở cơ quan, đơn vị. Tin tưởng rằng, với tầm nhìn mới và có những bước tiến mới, huyện Ba Vì nhất định phấn đấu trở thành một huyện ngoại thành của Thủ đô mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng vững mạnh, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh./.

 

Thanh Bình

 


Tag:Ba Vì

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang