Thứ Sáu, 03/05/2024 03:36:29 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2023

Lượt xem: 1044

Bắc Ninh đang có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển CNHT

Tuy là địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng với tiềm năng và lợi thế về địa kinh tế mà ít địa phương nào có được, từ nhiều năm qua, Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Khi thu hút đầu tư FDI trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã đặt ra yêu cầu Bắc Ninh phải phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để tạo ra chuỗi cung ứng liên hoàn phục vụ sản xuất phát triển.
Bắc Ninh đang có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển CNHT
Công ty TNHH Trần Thành (KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh) là một trong những doanh nghiệp đã được Tập đoàn Samsung hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, công tác quản lý

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT, các Bộ, ngành cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn với mục tiêu đưa ngành CNHT phát triển nhanh và bền vững. Bám sát chủ trương, định hướng đó, Bắc Ninh xác định chỉ có phát triển CNHT mới giúp cho nền công nghiệp tỉnh nhà tăng trưởng bền vững. Do vậy, thời gian qua, Tỉnh ủy có nhiều Nghị quyết và UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định để thúc đẩy phát triển CNHT như: Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã tiếp tục ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy phát triển các ngành CNHT thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước; Tăng cường thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp CNHT; Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp lắp ráp; Thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.

         

Từ các chính sách này, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành 02 cụm công nghiệp định hướng phát triển CNHT gồm: Cụm CNHT Cách Bi và cụm CNHT Tân Chi 2. Đồng thời, địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng và hoàn thiện thủ tục thành lập Hiệp hội CNHT tỉnh Bắc Ninh, cũng như Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp; Tổ chức nhiều triển lãm công nghệ thông tin và các sản phẩm CNHT. Mặt khác, sau khi các quyết định về phát triển CNHT được ban hành, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng bắt tay vào triển khai các công việc. Cụ thể, ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, Samsung sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Bắc Ninh cải thiện sản xuất, quản lý chất lượng và ưu tiên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bao gồm các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh cho Samsung.

         

Ngay sau chương trình ký kết này, Samsung đã khởi động Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh với 07 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, gồm: Công ty Cổ phần Hanpo Vina; Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thịnh Vượng; Công ty TNHH Trần Thành; Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp Chiến Thắng; Công ty TNHH Nhựa An Lập; Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện Postef. Các doanh nghiệp sau khi tham gia dự án đều ghi nhận được những bước cải tiến rất đáng khích lệ trong việc hoàn thiện, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, đảm bảo cho việc áp dụng nhà máy thông minh.

 

Công ty Cổ phần Hanpo Vina cũng đã gặt hái được nhiều thành công sau khi tham gia Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh do Samsung hỗ trợ

 

Đơn cử như đối với Công ty TNHH Trần Thành (KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh) - doanh nghiệp chuyên cung cấp và sản xuất màng xốp Pe Foam và thùng carton các loại, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, Công ty đã cải tiến xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý tích hợp kết nối kho - kế hoạch sản xuất - kinh doanh; Tối ưu hóa hiệu suất sử dụng kho; Cải tiến hệ thống chất lượng; Cải tiến môi trường làm việc… qua đó, góp phần tăng 26% hiệu suất kho; Giảm 50% tỷ lệ lỗi giới hạn tại công đoạn in; Hệ thống phần mềm kết nối hoàn thiện 100% cho các bộ phận, đem lại hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi tốt nhất ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đại diện lãnh đạo Công ty Trần Thành cho biết: “Thông qua chương trình này, các chuyên gia đã giúp cho chúng tôi tập hợp được dữ liệu từ hiện trường đưa về trung tâm xử lý thông qua các modun xử lý, đồng thời giúp nâng cao hệ thống IT, qua đó việc đưa ra các quyết định được nhanh nhất và chính xác nhất”.

         

Bà Nguyễn Hương Giang – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 500 doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó, có 272 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp CNHT đã tạo việc làm cho trên 80.000 lao động, riêng doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động. Các doanh nghiệp CNHT hoạt động trong một số lĩnh vực chủ yếu như: Lắp ráp sản phẩm điện tử; Cơ khí; Thực phẩm, đồ uống công nghệ cao. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp của 03 ngành này chiếm 96,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (ngành Điện tử, tin học chiếm 85,73%; Công nghiệp cơ khí, chế tạo chiếm 4,52%; Công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, đồ uống chiếm 5,90 %).

         

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác như: Sản xuất thiết bị điện tử; Sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành phụ tùng hàng không; Sản xuất thiết bị công nghệ cao; Dược phẩm & Thiết bị công nghệ Y khoa; Công nghiệp công nghệ thông tin. Từ đó, sẽ từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, cũng như mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất và trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam. Qua đó, phấn đấu đến năm 2030, GRDP công nghiệp – xây dựng theo giá so sánh năm 2010 của Bắc Ninh đạt 190,374 nghìn tỷ đồng; Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong nền kinh tế ở mức 72,6% vào năm 2030; Lao động hoạt động trong cụm ngành đạt 498,956 nghìn người vào năm 2030.

         

Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đó, CNHT của tỉnh sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và CNHT như: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, CNHT cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm – đồ uống. Trong đó, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực CNHT bao gồm: Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là CNHT thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho các yếu tố đầu vào như công nghệ - đất đai – nguyên vật liệu và vốn; Đẩy mạnh công tác phát triển CNHT, khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển CNHT, Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những nội dung hỗ trợ: Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển; Liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNHT, nắm bắt nhanh công nghệ, kỹ thuật và trình độ quản trị; Hình thành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, tổ chức kết nối cung ứng sản phẩm CNHT trong nước với các dự án FDI, hướng tới xuất khẩu trực tiếp linh kiện, phụ tùng.

       

   Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang