Thứ Năm, 02/05/2024 16:37:08 GMT+7

Tin đăng lúc 21-08-2023

Lượt xem: 561

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia vừa ban hành Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Theo báo cáo, BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 đạt hiệu quả cao hơn.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu

Những kết quả đạt được

 

Theo đánh giá của BCĐ 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhìn chung diễn biến không quá phức tạp, chưa phát sinh điểm nóng nhưng vẫn diễn ra ở hầu hết các tuyến, địa bàn trọng điểm tỉnh, thành phố trên cả nước, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã và các loại hàng hóa khác như xăng dầu, đường cát ngoại, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm, vàng, ngoại tệ, hàng tiêu dùng thiết yếu; hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; hoạt động kinh doanh trốn thuế, gian lận thuế, mua bán, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, không hợp pháp, mua bán trái phép hóa đơn.

 

Trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, BCĐ 389 Quốc gia đã chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường được đối tượng sử dụng như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa, trà trộn, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

 

Lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, tuyến biển, đường mòn, lối mở, sông, suối trên biên giới…, đối tượng thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; sử dụng trang thiết bị hiện đại hoặc trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ; lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, thông qua các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; lợi dụng các chợ truyền thống, hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hóa, kiot… để trà trộn, bày bán công khai cả hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng; lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp để tổ chức phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; lợi dụng hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong nội địa, gửi hàng qua đường bưu điện, chuyển phát, xe khách để trà trộn hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu với nhiều loại hàng hóa khác nhau;

 

Thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng hóa quà biếu, hàng phi mậu dịch để cất giấu, ngụy trang, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; lợi dụng thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay quốc tế để nhận, vận chuyển hàng cấm; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam; lợi dụng thời gian chờ tái xuất hàng hóa đi nước thứ ba để tráo đổi các loại hàng hóa có giá trị thấp hơn nhằm trục lợi.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có những kết quả được ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu vẫn diễn ra ở các tuyến, địa bàn trọng điểm tỉnh, thành phố trên cả nước đòi hỏi các lực lượng chức năng cần quyết liệt.

 

 

Các lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm

 

Kết quả thực hiện trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng các Bộ, ngành, địa phương cả nước đã kiểm tra, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, kiểm tra, xử lý 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 9,72% so với cùng kỳ); 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (bao gồm kinh doanh, tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; tăng 20,61% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560 tỷ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ, 1.610 đối tượng.

 

BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm

 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 6 tháng cuối năm, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu: Đối với BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 Quốc gia; kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia tại Hội nghị giao ban công tác quý I/2023 (Thông báo số 179/TB-VPTT ngày 17/05/2023 của Văn phòng Chính phủ); tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ.

 

Đối với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia: Đôn đốc, hướng dẫn BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Tổng hợp phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện những vấn đề phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời tham mưu BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo xử lý;

 

Tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức các hội nghị giao ban quý III/2023 và tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023; ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện Kế hoạch cao điểm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

 

Công Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang