Thứ Năm, 02/05/2024 05:07:22 GMT+7

Tin đăng lúc 24-10-2015

Lượt xem: 3231

Bất động sản chờ hưởng lợi từ TPP

Sẽ có một nhu cầu lớn hơn cho việc phát triển các KCN, các dự án thương mại và nhà ở, cũng như cơ sở hạ tầng trên toàn quốc.
Bất động sản chờ hưởng lợi từ TPP
Khu công nghiệp AMATA - Đồng Nai

"Bất kể những tác động lâu dài của TPP, các bên liên quan của ngành bất động sản vẫn có một thái độ rất tích cực đối với thỏa thuận này. Đặc biệt là ở những khu vực được săn tìm nhiều nhất bởi các nhà sản xuất hàng may mặc như Bình Dương, Đồng Nai và Long An", các chuyên gia CBRE dự báo.

 

Ba điểm nóng miền Nam

 

Hiện tại, Đồng Nai có các khu công nghiệp lớn như AMATA, khu công nghiệp Biên Hòa II và khu Loteco đều ở phường Long Bình, Tp. Biên Hòa. Ngoài ra còn có KCN Gò Dầu ở Xã Phước Thái, huyện Long Thành và một số KCN ở Xã Hiệp Phước & Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.

 

Tại Bình Dương, ngoài KCN tiếng tăm nhất là VSIP còn có KCN Sóng Thần 1,2,3; Mỹ Phước 1,2,3; Đồng An 1,2; Mai Trung, Kim Huy, Đất Cuốc, Tân Uyên… Như vậy, đất đai khu quanh Tp. Bình Dương và Mỹ Phước, Tân Uyên được kỳ vọng sẽ hưởng lợi theo TPP.

 

Tại Long An, các khu vực như Thị trấn Bến Lức và huyện Cần Đước được kỳ vọng hưởng lợi, do các nơi này, đặc biệt là Bến Lức, quy tụ hầu hết KCN của tỉnh như Cầu Tràm, Bắc An Thạnh, Phước Đông…

 

Theo đánh giá chung, là nước kém phát triển nhất trong số tất cả các thành viên TPP, Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thỏa thuận này với sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, chi phí nhập khẩu thấp hơn, và năng suất cao hơn do sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài hơn.

 

TPP dự kiến sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam thêm 46 tỷ USD trong 10 năm, từ mức 200 tỷ đô hiện tại. 

 

TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Đầu tư của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ tăng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam nhờ vào việc miễn thuế của nước này trên các sản phẩm chính như may mặc. 

 

Cơ hội lớn cho đất công nghiệp 

Các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc. Tương tự như trên, các nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn sẽ xem xét việc chuyển đổi từ các nước ngoài hiệp định TPP như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. 

 

Điều này sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy, không nhất thiết từ các nước trong hiệp định TPP mà còn từ các nước không có trong hiệp định như: Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, những nước vốn luôn muốn chạy trước hiệp định.

 

Trong bối cảnh này, chủ đầu tư khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi một số lượng lớn các công ty dệt may/thủy sản di dời đến Việt Nam

 

Việc tăng giao dịch thương mại sẽ dẫn theo việc tăng nhu cầu cho các dịch vụ hậu cần. Sẽ có nhu cầu lớn hơn cho cơ sở hạ tầng, bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không để tạo thuận lợi cho ngành hậu cần.

 

Việc tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.

 

Do hạn chế nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, chủ đầu tư văn phòng tương lai có thể nên xem xét lại kế hoạch phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển văn phòng. 

 

Tăng trưởng dự kiến của các công ty nước ngoài đến Việt Nam đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn. Căn cứ theo Luật Nhà ở mới, trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam kể từ ngày 01/072015, nhiều khách hàng nước ngoài sẽ được khuyến khích sở hữu một căn hộ tại Việt Nam thay vì đi thuê, đặc biệt là khi giá bán nhà ở tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với giá nhà trong các nước khu vực lân cận.

 

Theo CBRE, điều tuyệt vời về Hiệp định TPP này là sẽ giúp tăng uy tín của Việt Nam. Sẽ có một nhu cầu lớn hơn cho việc phát triển các khu công nghiệp, các dự án thương mại và nhà ở, cũng như cơ sở hạ tầng trên toàn quốc để xây dựng hệ thống đường sá, cảng, và các dịch vụ kết nối tốt hơn. 

 

Sẽ có rất nhiều các hoạt động dành cho chủ đầu tư địa ốc trong mọi mảng thị trường, và họ cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lao động, công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng suất cũng như tuân thủ luật pháp để đón đầu các cơ hội vàng này.

 

Nguồn: Thời báo Kinh Doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang