Thứ Năm, 02/05/2024 04:57:15 GMT+7

Tin đăng lúc 21-09-2022

Lượt xem: 603

Bến Tre: Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn từ chương trình OCOP

Phát triển chương trình OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Bến Tre: Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn từ chương trình OCOP

Đó là mục tiêu UBND tỉnh Bến Tre đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 5838/KH-UBND ban hành ngày 16/9/2022.

 

Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm OCOP

 

Phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre có mục tiêu chung là nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường... góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

 

Về mục tiêu cụ thể, Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 30 sản phẩm đạt 5 sao (hoặc tiềm năng 5 sao).

 

Nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng.

 

Ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã.

 

Có ít nhất 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

 

100% cán bộ phụ trách về OCOP các cấp huyện, xã; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP.

 

Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

 

Các sản phẩm OCOP được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm (nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác); nhóm đồ uống (có cồn, không cồn); nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu (thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, các loại dược liệu khác); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng); nhóm sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh); nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

 

Triển khai các giải pháp đồng bộ

 

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bến Tre đề ra nhiều giải pháp. Trước hết, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, trong đó tập trung chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, chủ trang trại, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...).

 

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện; đẩy mạnh hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất.

 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận. - Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP.  Thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP.

 

Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của chủ thể OCOP. Hỗ trợ chủ thể OCOP tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng thông qua các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ riêng của từng địa phương.

 

Những kết quả đã đạt được

 

Trước khi ban hành Kế hoạch nói trên, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

 

Như vậy, chương trình OCOP đã được các chủ thể trong tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018.

 

Theo đó, trong giai đoạn này, mỗi năm, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh tổ chức 2 đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

 

Tính đến tháng 4/2022, tỉnh Bến Tre đã tổ chức đánh giá và xếp hạng được 131 sản phẩm OCOP của 54 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 66 sản phẩm đạt 3 sao và 65 sản phẩm đạt 4 sao và có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Trung ương xem xét để đánh giá.     

 

Các sản phẩm OCOP có tiếng của Bến Tre được người tiêu dùng ưa thích như: Mặt nạ dừa (của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long) được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, có thể kể tên một số sản phẩm khác như: Nước màu dừa đặc sản (Chi nhánh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu A Tuấn Khang, TP. Bến Tre), mật hoa dừa (hộ kinh doanh Hương Dừa, huyện Châu Thành), sầu riêng cấp đông (Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách), chanh muối Hải Phượng (hộ kinh doanh Phạm Thị Thanh Phượng, huyện Giồng Trôm), khô cá đù đỏ một nắng GECOSEX CHUNG (Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy, huyện Thạnh Phú).

 

Chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn ở Bến Tre; thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Nhờ tập trung nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, sản phẩm OCOP của Bến Tre đến nay đã vươn xa hơn ra thị trường trong nước, kết nối được với nhiều đơn vị tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Sự nỗ lực, đồng lòng của người dân cùng với và sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương và các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng để tỉnh Bến Tre hoàn thành mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP trong những năm tiếp theo./. 

 

Theo Chinhphu


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang