Chủ Nhật, 28/04/2024 14:21:32 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2023

Lượt xem: 1068

Bình Dương: Khơi thông điểm nghẽn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

Hiện Bình Dương có hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trên 58.000 DN trong nước đang từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng, đón chuỗi dịch chuyển, các DN sản xuất công nghiệp ở Bình Dương còn nhiều vấn đề vướng mắc cần hỗ trợ.
Bình Dương: Khơi thông điểm nghẽn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Bình Dương đang có nhiều chính sách chú trọng phát triển các ngành CNHT

Lâu nay, Bình Dương luôn nằm trong top các địa phương có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển mạnh của cả nước (TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh và Bình Dương). Sự phát triển của CNHT đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

 

Hiện tại, Bình Dương đã thu hút 4.047 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 39,5 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước. Chính sự bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển CNHT tại địa phương. Nhằm tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, Bình Dương đang khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử.

 

Trên thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã tích cực hỗ trợ các DN CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, CNHT của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI).

 

Các doanh nghiệp đang được khơi thông điểm nghẽn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, gồm 442 DN dệt may, 172 DN da giày, 593 DN chế biến gỗ và 710 DN cơ khí. Tại Bình Dương đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các DN CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trên diện tích 42 ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô. Hay như Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm.

 

Ngoài ra, một số DN ở các khu công nghiệp đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern…; sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active…

 

Hiện các DN trong lĩnh vực CNHT cũng tăng cường tìm kiếm các đối tác tại Bình Dương. Ông Huỳnh Quang Nhung, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tổng công ty Cơ khí và CNHT (THACO Intrustries) đánh giá Bình Dương là địa phương có tiềm năng để phát triển về CNHT không chỉ cho các DN trong tỉnh mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do hạ tầng giao thông kết nối rất tốt.

 

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) để xây dựng khu công nghiệp (KCN) cơ khí hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Theo đó, từ năm 2023, Tập đoàn Trường Hải sẽ tập trung các nguồn lực để nghiên cứu dự án và UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án.

 

Dù có lợi thế về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại so với các địa phương khác, nhưng Bình Dương vẫn chưa có KCN về CNHT chuyên sâu. Như vậy, nếu tới đây KCN cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm ngành CNHT.

 

Mặc dù ngành công nghiệp phát triển khá tốt, tuy nhiên cũng như thực trạng chung cả nước, các DN tại Bình Dương vẫn phụ thuộc nhiều vào sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Ngành CNHT, chuỗi cung ứng chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp, biểu hiện rõ nhất qua đợt dịch Covid-19, nhiều DN đã gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất nhất là ngành Điện tử, Dệt may, Da giày.

 

Theo ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam (Bình Dương): “Với trình độ, chính sách như hiện nay, rất khó để đón và nâng tầm chuỗi cung ứng. Hiện nay, DN cần được ưu đãi về lãi suất, nguồn lực đất đai, tài chính để phát triển nguồn lực, phát triển quản trị. Thực tế, kỹ thuật, nguồn lực các DN Việt đều có thể đáp ứng yêu cầu và được chứng minh qua việc các DN FDI đang dựa vào nguồn lực Việt Nam để phát triển sản xuất. Các DN cần cơ chế, đặc biệt là tiền và đất đai để đầu tư phát triển. Điều này cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành với các quy định cụ thể”.

 

Không thể phủ nhận rằng, khó khăn của DN hiện nay là vay tín chấp trên phương án, dự án phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng DN, trong khi DN chưa có được phương án kinh doanh tốt do thiếu đơn hàng xuất khẩu. Các DN mong muốn các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.

 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương - ông Lai Xuân Đạt cho rằng, từ năm 2016, trong quy hoạch, kết nối để hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương đã rốt ráo lập quy hoạch tổng thể của tỉnh phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, điều tỉnh trông chờ nhất chính là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng cùng với các cơ chế, chính sách mới với kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn, gia tăng sức mạnh cho đội ngũ DN trong nước nhằm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Để đón đầu cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ cần có những nỗ lực của riêng Bình Dương. Điều đó cần sự phối hợp của các địa phương, bộ, ngành và những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Công Thương cũng cần có chính sách, giải pháp hình thành, hoặc cải thiện chuỗi liên kết giữa các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa với các DN lớn, các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang