Thứ Sáu, 26/04/2024 21:19:27 GMT+7

Tin đăng lúc 28-07-2018

Lượt xem: 1662

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương giải quyết từng vấn đề cụ thể

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, ngày 26/7, làm việc với lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, sau khi nắm bắt tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, giải quyết từng khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với địa phương giải quyết từng vấn đề cụ thể
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các Cục, Vụ phải chủ động nghiên cứu, rà soát và đề xuất kế hoạch, chiến lược phát triển với các địa phương, trong đó có Thanh Hoá

Đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương xây dựng chiến lược phát triển

 

Báo cáo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương, từ những số liệu tăng trưởng khả quan trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư của địa phương, ông Nguyễn Đình Xứng- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhận xét, các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương của tỉnh phát triển nhanh và tăng trưởng theo từng năm.

 

Dẫn số liệu cụ thể, ông Xứng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của Thanh Hoá ước tăng 14,6% so với cùng kỷ, cao nhất trong nhiều năm gần đây (năm 2016 tăng 9,9%; năm 2017 tăng 9,1%). Chi số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,64% so với cùng kỳ, trong đó, chỉ số sản xuất của công nghiệp khai khoáng tăng 10,3%, chế biến chế tạo tăng 13,8%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 13,0%,…

 

“Hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống đều tăng so với cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm có sản lượng tăng cao, như: xi măng (7 triệu tấn, tăng 24,2%); giày (38,79 triệu đôi, tăng 13,9%); quần áo (110 triệu sản phẩm, tăng 32,9%)... – Ông Xứng nói và cho biết thêm, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục có bước phát triển, mặt hàng phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm được nâng lên với giá trị sản xuất ước đạt 6.577 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Hiện Thanh Hoá có 45 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 07 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại 09 cụm công nghiệp với vốn đăng ký 1.781 tỷ đồng. Có 132 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động.

 

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng có bước tăng trưởng khá với khoảng 1,097 tỷ USD kim ngạch trong 6 tháng đầu năm, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Tại thị trường nội địa, hàng hóa lưu thông thuận lợi giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 45.949 tỷ đồng, tăng 12,5%. Với 396 chợ đang hoạt động, trong đó đã có 84 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý; 03 trung tâm thương mại hạng III và 31 siêu thị; 07 kho xăng dầu và 595 cửa hàng xăng dầu... đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân địa phương.

 

 

Ông Nguyễn Đình Xứng: Đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

 

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực với 1.269 doanh nghiệp thành lập mới trong nửa năm nay (đứng thứ 7 cả nước) với tổng vốn đăng ký 9.647 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, ông Xứng cũng thẳn thắn chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế của lĩnh vực công thương địa phương. Theo đó, các nhà máy công nghiệp truyền thồng cơ bản đạt ngưỡng công suất thiết kế, nên không thể tăng thêm sản lượng, ngành công nghiệp của tỉnh hầu hết sử dụng công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động, chi phí sản xuất lớn, giá thành cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp. Chưa kể hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, chậm được đầu tư xây dựng trong khi thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, các ngành chế biến, chế tạo kỹ thuật sâu, giá trị gia tăng cao còn khó khăn…

 

Đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó trọng tâm là hiện nay tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Boston lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 với 05 trụ cột tạo đột phá cho phát triển, trong đó có trụ cột về công nghiệp chế biến, chế tạo. Vì vậy, tỉnh mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, đặc biệt là xác định phương hướng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chiến lược phát triên công nghiệp quốc gia và xu hướng lan tỏa cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics... về đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.

 

Từng Cục, vụ của Bộ phải phối hợp với địa phương giải quyết từng vấn đề cụ thể

 

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe từng kiến nghị của địa phương và yêu cầu đại diện các Cục, Vụ chuyên môn phát biểu làm rõ từng nội dung, đưa ra khuyến nghị, đóng góp với địa phương các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương không thể chỉ ngồi đọc báo cáo, phê duyệt các dự án để giải quyết các kiến nghị của các địa phương mà phải chủ động nghiên cứu, rà soát và đề xuất kế hoạch, chiến lược phát triển với các địa phương, trong đó có Thanh Hoá.

 

 

Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương đã làm rõ và đưa ra nhiều khuyến nghị với địa phương

 

“Đây là một trong những nhiệm vụ các đồng chí tại các Cục, Vụ của Bộ phải triển khai ngay” – Bộ trưởng nói và cho rằng, về phía địa phương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Thanh Hoá cũng cần tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung được giao.

 

Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng cho rằng cùng với Bộ Công Thương, địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể để có chiến lược phát triển phù hợp, thu hút được các dự án công nghiệp trọng điểm làm lực đẩy phát triển cho các ngành công nghiệp khác, nhất là công nghiệp phụ trợ.

 

“Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp trong thời gian tới, địa phương không chỉ dừng lại ở việc giải quyết từng kiến nghị của người dân, doanh nghiệp mà cần rà soát, đánh giá tổng thể các cơ chế, chính sách, đưa ra những giải pháp có tầm bao quát các ngành, có tính lan toả, đảm bảo môi trường, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên kết ngành và đa ngành, liên kết địa phương…” - Bộ trưởng nói.

 

Tương tự trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng đề nghị địa phương thực hiện ngay công tác đánh giá và đề xuất những kế hoạch cụ thể trong phát triển hạ tầng thương mại, các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt trong việc thực thi các cam kết hội nhập để đảm bảo thị trường tiêu thụ các sản phẩm trong nước và xuất khẩu..., và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

 

 

Kiểm tra tiến độ xây dựng của dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng đề nghị các bên trong liên doanh cần huy động tối đa nguồn lực, đưa dự án vào vận hành sớm nhất

 

Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện có hàng chục hiệp định thương mại tự do đa và song phương, hiệp định CPTPP, các cam kết thuận lợi hoá thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EV - FTA) dự kiến được ký kết vào cuối năm nay, đây sẽ là những cơ hội lớn để địa phương khai thác, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

 

Một trong những yêu cầu hết sức quan trọng được Người đứng đầu ngành Công Thương nêu ra trong buổi làm việc là, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư thì Sở Công Thương phải chủ động tham mưu cho địa phương trong công tác tổ chức thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 

“Làm được điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ huy động được các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn” – Bộ trưởng tin tưởng.

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang