Thứ Năm, 16/05/2024 13:34:47 GMT+7

Tin đăng lúc 29-04-2023

Lượt xem: 960

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu

Chiều nay (28/4), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá); Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam; Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh trên cả nước; đại diện một số đơn vị chức năng và các cơ quan truyền thông, báo chí của Bộ Công Thương.

 

Thị trường xăng dầu ổn định

 

Đánh giá về tình hình tình hình cung ứng xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung có lúc dồi dào, giá cả hợp lý cơ bản bám sát giá thế giới.“Với cơ chế hiện hành được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành nhịp nhàng ổn định, hệ thống kinh doanh từ doanh nghiệp đầu mối doanh nghiệp phân phối ủy quyền đầu mối hoạt động tốt hơn, nhịp hành hơn”- Bộ trưởng nêu.

 

Tuy nhiên, trước diễn biến khó đoán định của thị trường thế giới, cùng với chủ trương phục hồi đà tăng trưởng của đất nước nếu đạt như kỳ vọng, chúng ta cần có giải pháp đủ mạnh và khả thi trong thời gian tới để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.

 

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông đã báo cáo về tình hình thị trường, nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất của 02 Nhà máy Lọc dầu (Bình Sơn và Nghi Sơn). Theo đó, tổng nguồn cung xăng dầu từ 03 nguồn nhập khẩu, sản xuất và pha chế Quý I/2023 đạt khoảng 5,980 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 21,9% tổng nguồn xăng dầu năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong Quý I/2023.

 

Hội nghị cũng được lắng nghe ý kiến thảo luận của đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối về thực trạng tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường từ đầu năm đến nay, đồng thời bàn các giải pháp để đảm bảo cung ứng mặt hàng này cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung.

 

Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong quý I/2023, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2022, Liên bộ Công Thương - Tài chính, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, có những thời điểm rất quyết liệt. “Điều này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó còn là sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp đầu mối để vượt qua năm 2022 đầy biến động”- ông Bảo nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, những chỉ đạo của Bộ Công Thương đối với lĩnh vực xăng dầu nhìn chung đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo không để nảy sinh vấn đề cụ thể nào, mặc dù Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc về kỹ thuật.

 

Tuy nhiên Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng lưu ý, trong việc đảm bảo nguồn cung, vẫn còn một số tồn tại khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt của các doanh nghiệp đầu mối. Lo ngại cao nhất là tài chính để nhập hàng hay hạn mức đều có đầy đủ và thừa nhưng vì khó khăn về vốn đặc biệt là đối với doanh nghiệp tư nhân cần được khắc phục trong thời gian tới.

 

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023

 

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan có liên quan và đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua đã khắc phục những khó khăn, những hạn chế yếu kém của chính mình trong giai đoạn trước đây để hoàn thành chức năng cung ứng, duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu trong phạm vi cả nước một cách khá ổn định.

 

 

Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nguồn cung trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gây ra các tình huống bị động. Về nguồn cung từ nước ngoài, một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, chưa làm tròn bổn phận với hệ thống phân phối của mình, cũng như chưa nêu bật được vai trò và hoạt động của mình đối với xã hội dẫn đến những thông tin sai lệch không đáng có.

 

Hơn thế nữa, hệ thống kinh doanh xăng dầu nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với việc tiếp cận vốn trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.

 

Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực của Vụ Thị trường trong nước, các cơ quan có liên quan thuộc Bộ Công Thương cũng như Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã đưa ra sản lượng phân giao năm nay cao hơn số thực hiện của năm 2022. Song với dự báo, kế hoạch phân giao này, nếu kinh tế đất nước đạt được như kỳ vọng, cần phải suy nghĩ đến việc tăng sản lượng phân giao ngay sau Hội nghị này để chủ động trong mọi tình huống.

 

Theo đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp cần phải thực hiện trong những tháng tiếp theo.

 

Trước hết, Bộ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin liên tục và đầy đủ về nguồn cung xăng dầu, công tác điều hành thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương để tạo tâm lý ổn định trong dư luận. Đồng thời, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

 

Bên cạnh đó, cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định hệ thống quản lý hoạt động cung ứng kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, triển khai quản lý theo thời gian thực.

 

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường trong nước thực hiện việc phân giao, điều chỉnh tổng nguồn cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và quy định tiến độ nhập khẩu xăng dầu cụ thể theo quy định.

 

Đối với các Doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu:

 

Thứ nhất cần thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao tối thiểu (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hang.

 

Thứ hai, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu). Chú ý theo dõi sát đảm bảo nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu (nhập sớm, đủ số lượng đúng chủng loại) để cung cấp đủ cho thị trường trong nước thời gian tới.

 

Thứ ba, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải duy trì hoạt động bán hàng cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp;

 

Thứ tư, chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho khách hàng một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

 

Thứ năm, các doanh nghiệp đầu mối cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu, cần chú ý chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ cung cấp xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung, sản lượng đã ký...

 

Thứ sáu, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính – Bộ Công Thương) để có cơ sở cập nhật chính xác giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu (tránh thất thoát cho hệ thống kinh doanh)

 

Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối nên ngồi lại với thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.

 

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật rà soát, điều điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xây dựng cho phù hợp (hài hòa lĩnh vực giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng), đảm bảo cao nhất mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong qua trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu trong các kỳ điều hành theo đúng quy định; Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát các doanh nghiệp đầu mối trong việc trích lập quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu, tránh sai phạm.

 

Bộ trưởng cũng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn cả room và điều kiện vay trả nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện để đảm bảo hoạt động ổn định đủ nguồn cung ra thị trường trong nước theo cam kết. Trường hợp có sự cố phải báo trước hàng tháng; hỗ trợ bồi hoàn tránh thiệt hại cho các bên liên quan; khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu để công bố, công khai kế hoạch và khả năng sản xuất, khả năng cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm.

 

Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng đề nghị cần có thái độ cứng rắn và yêu cầu quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ổn định, thực hiện đúng cam kết và phải chịu trách nhiệm về vật chất thậm chí về pháp lý nếu vi phạm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước”- Bộ trưởng nêu quan điểm.

 

Đối với các ngành và địa phương khác, Bộ trưởng đề nghị phối hợp cùng Bộ Công Thương ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tạo nguồn xăng dầu, hỗ trợ lưu thông bảo đảm an ninh trật tư, thanh kiểm tra giám sát hoạt động...

 

Theo Congthuong.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang